Press "Enter" to skip to content

Nhật Bản lo giải bài toán người nước ngoài

Last updated on Tháng năm 29, 2021

Loading

(Photo) The Executive Suite

Quốc hội Nhật Bản đang tranh luận những giây phút cuối cùng trước khi dự luật mở rộng tiếp nhận người nước ngoài được thông qua trong cuộc họp phiên chính ở Thượng viện, sau khi được thông qua ở Hạ viện mấy tuần trước.

Nội dung chính của dự luật này là lần đầu tiên chính thức tạo ra cơ chế cho phép người nước ngoài làm công việc chân tay tại Nhật.

Dự luật này được dư luận Nhật Bản đặc biệt quan tâm, vừa kì vọng vừa lo ngại. Báo chí tất nhiên cũng đưa tin theo nhiều khía cạnh khác nhau tùy theo xu hướng chính kiến của mình.

“Đây không phải là chính sách di dân.”
“Tại sao không gọi người lao động nước ngoài là di dân?”
“Trách nhiệm của những nhà chính trị không gọi đúng tên chính sách di dân ở đâu?”
“Cần tiếp nhận chính thức lao động nước ngoài”
“Thẳng tiến thành quốc gia tiếp nhận di dân – chính sách vội vàng”
“Cần tiếp nhận người nước ngoài như những con người, không chỉ là lao động”
“Có thể mở rộng tiếp nhận người nước ngoài mà không phải là di dân chăng?”
“Tiếp nhận lao động nước ngoài sẽ khiến lao động Nhật khốn khổ”
“Mở rộng tiếp nhận người nước ngoài như thế này chỉ càng trợ giúp các thế lực đen, gây ra những vấn đề nhân quyền mới”
….

(Báo chí Nhật)

Tại sao dự luật này lại gây ra nhiều tranh cãi như vậy?

Bối cảnh của dự luật

Từ trước đến giờ, người nước ngoài được chấp nhận làm việc tại Nhật chính thức (visa làm việc) chỉ là những người có trình độ cao, tức là tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên môn trở lên. Ngoài ra có một số visa công việc đòi hỏi kĩ năng cao, chuyên gia trong ngành nghề nào đó: nấu ăn, phiên dịch, thợ kim hoàn…

Những người nước ngoài làm công việc chân tay không phải là không có, có nhiều là khác. Nhưng họ làm công việc đó như là một công việc phụ, ít nhất là mặt danh nghĩa, bởi vì họ là thực tập sinh nước ngoài (đi học nghề), hoặc du học sinh. Phụ về danh nghĩa nhưng thực tế lại là chính đối với đại đa số thực tập sinh, và là động lực cũng như cơ hội quan trọng sang Nhật của phần lớn du học sinh.

Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia phát triển khác có tỉ lệ dân số già cả cao, lực lượng lao động vô cùng thiếu. Tuy họ rất cố gắng giảm bớt gánh nặng này bằng ứng dụng tự động hóa, robot hóa, kĩ thuật IT tiên tiến hàng đầu thế giới vào mọi mặt của xã hội, nhưng cũng không thể tránh được xu hướng nhập khẩu sức lao động trẻ từ nước ngoài. Không những phải nhập khẩu, họ còn phải cạnh tranh thu hút nguồn lao động nước ngoài này với các quốc gia kia cũng thiếu lao động phổ thông khác: Hàn Quốc, Đài Loan, Đức…

Không chỉ nhu cầu nhập khẩu lao động của nước Nhật cao, nhu cầu đi Nhật lao động cũng vô cùng cao ở những nước đang phát triển và chưa giải quyết tốt vấn đề việc làm: Việt Nam, Nepal, Trung Quốc, Myanmar. Những nước này cung cấp phần lớn lực lượng thực tập sinh, nhiều du học sinh trá hình, chỉ với mục đích lao động. Trá hình bởi vì họ bắt buộc phải làm vậy do sự hạn chế tiếp nhận của nước Nhật.

Muốn lao động, và muốn tiếp nhận lao động, mà cả hai phía đều phải đi đường vòng, treo đầu dê bán thịt chó. Hiện trạng này gây ra vô cùng nhiều vấn đề. Thực tập sinh người Việt tốt nghiệp đại học phải làm hồ sơ giả là chưa học đại học (giả dạng nhân lực trình độ thấp!), bị 3, 4 tầng bóc lột cả về tiền bạc và vi phạm nhân quyền. Du học sinh cũng phải làm hồ sơ giả để chứng minh tài chính (giả thu nhập sung túc thoải mái du học!), phải trả nhiều tiền du học dù chỉ có nhu cầu đi làm. Các công ty Nhật cũng phải tiếp nhận nhiều lao động không có tay nghề, không có động lực làm việc, phải quản lý người nước ngoài phiền toái. Những người nước ngoài bị áp bức và bóc lột kia đã phải phá vỡ luật lệ, bỏ trốn cư trú và làm việc bất hợp pháp, phạm tội hình sự để tồn tại hoặc vì bị bọn mafia điều khiển.

Thực tập sinh Nhật Bản, xuất khẩu lao động Nhật Bản, bản chất và thực tế của nó là gì?

Tội phạm Việt ở Nhật năm 2017 đã lần đầu tiên đứng đầu

Yếu tố nhạy cảm “người nước ngoài”

Các chính phủ Nhật từ trước luôn tránh né đối diện với nhu cầu tiếp nhận nhân công lao động chân tay nước ngoài. Việc tiếp nhận người nước ngoài không phải trình độ cao này luôn được hình dung với nguy cơ di dân tràn vào Nhật Bản, khiến nó trở thành là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm ở Nhật Bản. Tỉ lệ người nước ngoài được chấp nhận tị nạn là thấp nhất trong các quốc gia phát triển.

Từ mấy năm nay, những ai theo dõi thời sự quốc tế đều biết vấn đề thời sự nóng bỏng là người tị nạn Syria tràn vào châu Âu. Có những lúc tình hình trở nên sôi sục, như khi hình ảnh đáng thương của một em bé tị nạn 3 tuổi chết đuối nằm úp sấp mặt trôi dạt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên làn sóng thương cảm trên toàn thế giới. Dư luận cảm tính gây áp lực mạnh mẽ lên toàn châu Âu, ảnh hưởng đến cả chính sách di dân, tiếp nhận dân tị nạn của châu Âu. Một số quốc gia nhất quyết không tiếp nhận dân tị nạn. Một số quốc gia khác hào phóng tiếp nhận. Ở đây nảy sinh ra 2 vấn đề đối lập nhau: nhân đạo với dân tị nạn thì ảnh hưởng đến xã hội của người bản địa.

Nước Nhật là một nước phát triển, và cũng như các nước phát triển khác thì Nhật cũng có chính sách tiếp nhận người tị nạn (tiếng Nhật 難民 nammin). Từ sau chiến tranh VN, làn sóng người tị nạn Động Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) khi đó chính là những nhóm người đầu tiên được hưởng chính sách tị nạn của Nhật Bản. Từ năm 1979, họ được tiếp nhận ở các trại tị nạn ở thành phố 姫路 Himeji (tỉnh 兵庫 Hyogo) và thành phố 大和 Yamato (tỉnh 神奈川 Kanagawa), hình thành nên những nhóm người Việt Kiều lớn đầu tiên ở Nhật. Nhiều người Việt Nam trong khi tỏ ra thương cảm người tị nạn Syria thì lại thờ ơ không biết hoặc không tìm hiểu gì về lịch sử tị nạn đau thương của đồng bào của mình ngày trước. Thậm chí từ năm 2014 cũng lại dấy lên làn sóng người Việt tị nạn mới nhắm tới nước Úc, nhiều đến mức Úc đã phải dừng tiếp nhận ngay vì không kham nổi.

Sau đợt 1979 đó, Nhật Bản hầu như không tiếp nhận người tị nạn nữa. Có thể nói là kém tích cực so với các nước châu Âu. Đó là bởi vì nước Nhật vẫn rất dè dặt với người nước ngoài di cư (tiếng Nhật 移民 imin) nói chung, người tị nạn nói riêng. Dẫu cho không phải là người tị nạn, thì sự tiếp nhận người lao động nước ngoài cũng cực kỳ hạn chế. Lao động phổ thông người nước ngoài không được phép làm việc chính thức ở Nhật, như đã nói ở trên.

Nhật Bản e dè tiếp nhận dân di cư, một phần bởi vì người Nhật trong tiềm thức vẫn tự hào về nguồn gốc thuần chủng, về dân tộc tính đặc biệt của mình. Họ vừa e dè cảnh giác vừa khó chịu với những người nước ngoài định xâm nhập và phá hoại sự thuần chủng, văn hoá của họ. Cho dù đó là người châu Âu mà họ vừa nể vừa thích, hay người châu Á họ vừa thích vừa ghét, vừa tò mò vừa coi thường. Đơn giản chỉ là Nhật, hoặc không là Nhật. (Đặc tính phân biết rõ ràng người nước ngoài này, thực ra cũng thấy ở cả người Việt. Người Việt hay gọi “bọn Tây”, thể hiện một thái độ vừa diễu cợt vừa thán phục “Tây” là vậy.)

Người Nhật vẫn vừa cảnh giác với dân di cư vừa theo dõi sát sao cách tiếp nhận dân di cư của các nước khác: châu Âu, Mỹ, Úc… Hiện nay, trừ nước Mỹ ra thì các nước khác đều có sự kỳ thị ít nhiều của dân bản địa, nhất là dân da trắng, đối với người di cư. Cũng phải nhận thấy thực tế là dân di cư đang gây khá nhiều vấn đề đối với các nước này. Có lẽ phiền toái nhất là dân di cư gốc Hồi Giáo, vì họ không chỉ di cư mà còn có ý định chiếm lĩnh các xã hội họ di cư đến bằng xã hội Hồi Giáo. Ngoài ra, họ cũng khá là khó hoà nhập vào xã hội di cư đó. Với thực tế đó, về cơ bản thì người Nhật vẫn không thể nào chấp nhận người di cư được, nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn hiểu rằng nước Nhật cần dân di cư trình độ cao.

Dân Trung Quốc và dân Ấn Độ hiểu điều này nên họ đã và đang cố gắng di cư sang Nhật Bản. Nhiều người Hàn Quốc cũng vậy. Họ là những người có trình độ, có tiền, có công việc làm tốt. Người Việt Nam thì ngược lại, từ chỗ được người Nhật có thiện cảm thì ngày càng gây phiền toái xã hội Nhật bằng những vụ phạm pháp. Học hành cũng không cao. Hoà nhập thì ít mà chống đối thì nhiều. Thật là vô cùng phí phạm cơ hội để thâm nhập vào xã hội phát triển và nhiều cơ hội này. Hệ quả là nước Nhật đã ít nhiều siết chặt đầu vào nước Nhật với du học sinh, thực tập sinh Việt Nam. Hy vọng rằng chất lượng người Việt tại Nhật sẽ được cải thiện dần với sự quản lý chặt chẽ hơn của nước Nhật, cũng như sự trưởng thành dần của chính người Việt tại đây.

Đề xuất

Người Nhật lo ngại người nước ngoài và di dân là đúng, bởi vì nếu không quản lý chặt thì nước Nhật độc đáo của thế giới sẽ không còn là nước Nhật nữa, sẽ bát nháo, không an toàn nữa. Tuy nhiên, Nhật Bản có tinh túy nhưng cũng có những thứ không hay. Và nhất là nếu không có lực lượng lao động tốt thì bản thân nước Nhật sẽ không thể tồn tại bền vững được. Một mặt cần phát triển các chính sách kinh tế xã hội để nước Nhật bớt phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Một mặt xây dựng cơ chế tiếp nhận những người nước ngoài thân Nhật, yêu nước Nhật, có kiến thức, lương thiện, chính là phương pháp dung hòa tốt, thậm chí còn làm cho nước Nhật phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x