Press "Enter" to skip to content

Nhật Bản chuyển mình với cuộc chiến Ukraina-Nga

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Hôm nay chuyên cơ của Chính phủ Nhật đã đưa 20 người tị nạn Ukraina sang Nhật. Trước đó cũng đã có 47 người Ukraina sang được Nhật do người thân và các tổ chức bảo lãnh. Tuy con số quá khiêm tốn so với sự tiếp nhận của các nước châu Âu (Ba Lan 2,3 triệu, Romania 609 nghìn…) nhưng số người tị nạn được dự đoán sẽ còn tăng lên. Dù sao so với các quốc gia châu Á khác thì cũng là vô cùng tích cực. Đặc biệt Nhật Bản có truyền thống cực kỳ khắt khe trong việc cấp quy chế tị nạn, thì hành động tích cực này cho thấy một sự tiến bộ hiếm có.

(BBC) Các nước đông Âu đang tiếp nhận người tị nạn Ukraina với số lượng lớn.

Đọc thêm: Không nên mơ hồ về cái gọi là “visa tị nạn” ở Nhật

Tuy nhiên, kể từ hồi những năm 1980 thế kỉ trước khi Nhật Bản tiếp nhận người tị nạn (thuyền nhân) Việt Nam, đã bao nhiêu năm nay Nhật không có cơ chế đầy đủ để trợ giúp một lượng lớn người tị nạn. Bởi vậy lần này họ đang khá lúng túng khi tiếp nhận người tị nạn Ukraina. Người tị nạn phần lớn bắt buộc phải có người thân hoặc các tổ chức nào đó đứng ra tiếp nhận và bảo lãnh. Họ sẽ phải trải qua một quá trình xét duyệt tư cách tị nạn rối rắm và vô cùng khó khăn. Và vì chưa có visa “tị nạn” nên họ được gọi bằng tên gọi tránh đi là “người sơ tán”. Không có trung tâm tị nạn công cộng, chưa có hệ thống tiếp nhận thông suốt từ trung ương đến các địa phương, chưa có chương trình hành động giúp người tị nạn hoà nhập xã hội, từ tiếng Nhật cho đến giới thiệu việc làm. Người dân Nhật cũng chưa quen với chuyện này, truyền thống đứng xa ngoài các việc phiền phức, sợ tiếp nhận người nước ngoài vào xã hội Nhật, thói quen ích kỉ không muốn đóng thuế cho “người ăn bám”… khiến cũng có dư luận phản đối sự tiếp nhận người tị nạn.

Những điều này có thể là điều mà Nhật cần cải thiện, phải vượt qua vì họ hiểu là phải tích cực hành động theo tiêu chuẩn thế giới hơn là chỉ bỏ tiền ra tài trợ. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã sẵn sàng tham dự một trật tự thế giới mới. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraina, Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia châu Á lên án mạnh mẽ Nga, cấm vận Nga. Nhật Bản thậm chí còn cung cấp cả áo chống đạn cho Ukraina, một động thái khá nhạy cảm vì từ trước đến nay Nhật vốn không tích cực viện trợ vật tư cho các bên tham chiến, mà thay vào đó chỉ tài trợ tái thiết dân sự. Sắp tới Nhật sẽ giúp đỡ triệt thoái mìn do quân Nga rải khắp nơi ở Ukraina trước khi rút lui. Đây là lĩnh vực mà Nhật Bản có kỹ thuật, khí tài hiện đại, rất hiệu quả để giúp tái thiết Ukraine.

Đã 77 năm kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Cả Nhật và Đức đều đã phải tự kìm hãm những hành động mạnh mẽ về chính trị và quân sự ở vũ đài quốc tế, nhưng các quốc gia này đang chuyển mình từng bước để thoát khỏi cái bóng của những quốc gia thua trận. Có thể chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều sự thay đổi trong tương lai.


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x