Last updated on Tháng năm 30, 2021
Ngày mai 30/4/2019 sẽ là ngày cuối cùng của niên đại Heisei (平成, Bình Thành) của Nhật Bản. Từ 0 giờ ngày 1/5 sau đó sẽ bắt đầu niên đại mới Reiwa (令和, Lệnh Hoà).
Thời đại mới của Nhật Bản, 令和 Reiwa
Thời đại Heisei đã bắt đầu với sự lên ngôi của Thiên Hoàng Akihito từ năm 1989 đến năm 2019, tính ra là 31 năm. Sự thay đổi niên hiệu giữa năm như thế này khiến cho năm 2019 này vừa là năm Heisei thứ 31, vừa là năm Reiwa thứ nhất.
Niên hiệu chính là lịch Nhật
Chúng ta nói đơn giản là năm 1989, 2019, hay là giữa năm, nhưng nghĩ kĩ ra thì “năm” này cũng là một loại lịch, là Tây lịch, Dương lịch, lịch của phương Tây mà từ lâu thế giới đã dùng như là lịch chung của thế giới. Tây lịch lấy năm đầu tiên là năm sinh của Đức Chúa Jesu, nên thực ra Tây lịch chính là lịch của Thiên Chúa Giáo. Thế giới hiện đại không chỉ có Tây lịch mà còn có lịch Hồi Giáo, lịch Phật Giáo, Âm lịch. Niên hiệu của Nhật Bản chính là lịch của Nhật, Wareki (和暦). Niên hiệu tuy bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó ảnh hưởng lan ra cả Triều Tiên, Việt Nam, nhưng chỉ duy nhất còn tồn tại ở Nhật Bản.
Từ thời Meiji (明治, Minh Trị), nước Nhật đã có nhiều thay đổi lớn lao: bỏ bế quan toả cảng, du nhập nhiều cơ chế vận hành xã hội từ phương Tây, thay đổi lịch từ Âm lịch sang Dương lịch. Tuy vậy họ vẫn cố gắng giữ nhiều nét văn hoá cũng như thể hiện sự tự cường, tự chủ của mình, và niên hiệu chính là một trong các nét văn hoá độc đáo đó. Triều đình Minh Trị, và Nhà nước Nhật Bản sau này, nâng cao tầm quan trọng của niên hiệu, quy định rõ “1 triều đại Thiên Hoàng chỉ có 1 niên hiệu”, bởi vì điều thú vị là trong quá khứ niên hiệu được bắt đầu tự do do hơn, và không xuyên suốt mỗi triều đại.
Trong xã hội hiện đại của Nhật Bản, lịch Nhật với niên hiệu được sử dụng song song với lịch dương. Các cơ quan Chính phủ, các cơ quan hành chính công, các trường học, các định chế tài chính… đều dùng lịch Nhật là chính chứ không phải là Dương lịch. Bất cứ người nước ngoài nào sang Nhật cũng sẽ phải làm quen với lịch này, phải xem năm sinh của mình trong lịch Nhật là năm nào, năm nhập học, năm tốt nghiệp, năm đóng thuế, năm chuyển đến chuyển đi các địa phương… Mỗi người sống ở Nhật Bản đều phải biết cách dùng chuyển đổi giữa năm Dương lịch và năm lịch Nhật. Google của Nhật Bản cũng rất thông minh và tiện dụng cho việc chuyển đổi này. 🙂
Các niên hiệu, Thiên Hoàng, và xã hội Nhật
Thiên Hoàng của thời đại Heisei cũng có thể gọi là Thiên Hoàng Heisei, dù rằng tên của ngài là Akihito. Bình thường thì các Thiên Hoàng băng hà rồi xã hội mới thay đổi niên hiệu cùng với sự lên ngôi của Thiên Hoàng mới. Tuy nhiên, Thiên Hoàng Heisei là một người thực hiện công việc đại diện đất nước rất chăm chỉ, chỉn chu, vô cùng quan tâm đến người dân Nhật, nên chính vì vậy mà từ vài năm trước ngài đã yêu cầu được thoái vị (từ chức) do lo sợ tuổi tác cao và sức khoẻ không cho phép ngài làm việc đầy đủ nữa. Sau hơn 200 năm mới lại có sự kiện thoái vị như thế này trong lịch sự Nhật Bản.
Trước Heisei là Thiên Hoàng Showa (昭和, Chiêu Hoà) trị vì những 64 năm (1926-1989), dài nhất trong lịch sử các triều đại Nhật Bản, và cũng là dài thứ hai trong các triều đại trên thế giới tự cổ chí kim. Đây là thời đại ảnh hưởng sâu rộng đến vị thế của nước Nhật hiện đại, cùng với sự thua trận Đại chiến thế giới thứ 2, ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ đến Nhật Bản, sự phát triển thần kì về kinh tế.
Trước đó là thời đại Taisho (大正, Đại Chính), lại chỉ ngẳn ngủi mỗi 15 năm, 1912-1926. Thời đại này, Nhật Bản tham chiến Đại chiến thế giới thứ Nhất và là 1 trong các nước chiến thắng.
Trước Taisho là thời đại nổi tiếng Meiji (明治, Minh Trị), 1868-1912. Thời kì này đặt nền móng cho nước Nhật mở rộng giao thương với thế giới, canh tân nước Nhật hiện đại, trở thành một trong những quốc gia châu Á văn minh, hiện đại, hùng mạnh, và “phương Tây” nhất.
Hoàng gia Nhật là hoàng gia trị vì lâu nhất trên thế giới, áng chừng kéo dài từ 1500-2600 năm. Hơn nữa, nước Nhật cũng chỉ có duy nhất 1 gia đình Hoàng gia này chứ không phải là nhiều gia đình Hoàng gia như các quốc gia khác. Đây cũng là sự vô cùng độc đáo của Nhật Bản.
Các quốc gia không có niên hiệu thì sẽ gọi các thời kì lịch sử theo sự kiện nổi bật, ví dụ như Việt Nam có thời kì Đổi mới, thời bao cấp, chiến tranh chống Mỹ, kháng chiến chống Pháp…. Còn người Nhật có thể dùng niên hiệu để gọi các thời kì lịch sử xã hội của mình. Có những người Nhật đã cảm thán rằng những năm Heisei thật nhiều thiên tai, nhưng cũng đã có những ý kiến cảm tạ thời Heisei thật hoà bình, không hề có chiến tranh. Họ bình luận rằng thời Showa người Nhật thật biết cố gắng chịu khó, và cũng chê bai thanh niên thời Heisei thật kém cỏi, không có ý chí. Những nhịp sống và văn hoá Nhật Bản thời Showa làm rung động trái tim của hàng triệu người Nhật. Sự luyến tiếc thời kì Showa khiến người viết cảm thấy tương tự như sự nhớ lại các hình ảnh thời bao cấp ở miền Bắc Việt Nam, cũng như những hình ảnh “trước 75” ở miền Nam Việt Nam vậy. Thời đại Taisho không còn được người Nhật nhớ đến chiến tranh, mà được nói đến với những hình ảnh lãng mạn Taisho (大正ロマン) do sự du nhập các tư tưởng romance từ châu Âu vào Nhật thời đó. Và thời đại Meiji được tranh cãi cả về các tư tưởng hiện đại cách tân nước Nhật, biến Nhật thành đất nước tiên tiến, vừa về sự phát triển các tư tưởng đế quốc và chính sách thực dân hoá.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi như vũ bão, nước Nhật cũng đứng trước bao nhiêu thử thách: dân số già và giảm dần, thiếu sức lao động, cạnh tranh quốc tế tăng lên, an ninh khu vực phức tạp, mối quan hệ với các đồng minh và các quốc gia đối địch chồng chéo, phải tiếp nhận người nước ngoài ngày càng nhiều…, người Nhật cần phải chứng minh họ vẫn vững vàng trong thời đại Reiwa sắp tới. Không phải Thiên Hoàng Reiwa làm gì cho nước Nhật, nhưng niên hiệu Reiwa sẽ đồng hành và đại diện cho nước Nhật ở thời đại mới này.