Press "Enter" to skip to content

Quốc tang gây tranh cãi – phần 2

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Ngày mai 27 tháng 9 năm 2022, quốc tang của Cố thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ được cử hành tại Tokyo. Như vậy sau khi được Chính phủ Nhật công bố quyết định tổ chức hơn 2 tháng trước (!), và trải qua bao nhiêu sự phản đối quốc tang quyết liệt, lễ quốc tang vẫn sẽ được cử hành.

Trong hơn 2 tháng này, đã có nhiều sự việc ly kỳ xảy ra liên quan đến quốc tang cố thủ tướng Abe.

Thứ nhất, lý do ám sát ông Abe được hung thủ đưa ra rất bất ngờ là để trả thù một tổ chức tôn giáo có tên là Giáo hội Thống Nhất. Hung thủ căm thù tột độ giáo hội có xuất phát từ Hàn Quốc này đã dụ dỗ người mẹ đóng góp gần như toàn bộ tài sản lớn và thời gian, cuộc sống của mình cho giáo hội. Người ta có thể thấy các hành vi của giáo hội như là tẩy não. Điều tra sơ bộ của báo chí cũng cho thấy đây là hành vi khá phổ biến của giáo hội, nhiều gia đình giáo dân khác cũng bị khuynh gia bại sản, cuộc sống gia đình bị phá vỡ.

Thứ hai, dư luận vỡ lẽ ra ông Abe đã có quan hệ thân mật với giáo hội kia, diễn thuyết trong cả video mang tính tuyên truyền của giáo hội. Chính bởi vậy mà nghi phạm cho rằng ông Abe đại diện hoặc là lãnh đạo của giáo hội, sự căm thù đã hướng vào ông Abe để nhằm cảnh tỉnh và đánh động với xã hội, và đó là động cơ của vụ ám sát.

Thứ ba, sau 2 điều trên thì nghi phạm bỗng nhiên được dư luận tỏ ra thương cảm, thông cảm. Thậm chí có những sự kêu gọi giảm án cho hung thủ, dù vụ việc chưa được đưa ra xét xử.

Thứ tư, điều tra của chính giới, của báo chí cho thấy hàng chục chính trị gia bị phát hiện có liên hệ ít nhiều với Giáo hội Thống Nhất, từ nhận sự giúp đỡ của giáo hội cho đến tham gia vào một số sự kiện của giáo hội. Phần nhiều các chính trị gia này là thuộc Đảng Tự Do Dân Chủ cầm quyền, cũng là đảng của cố thủ tướng Abe. Sau khi bị đưa ra công luận, nhiều chính trị gia phải tuyên bố cải chính rằng đã không hề có sự nhập nhằng tài chính cũng như chiếu cố, ưu đãi chính trị gì cho giáo hội này, đồng thời họ tuyên bố sẽ cắt đứt ngay lập tức sự dính lứu từ này về sau với Giáo hội Thống Nhất.

Thứ năm, việc Chính phủ Nhật bỏ qua dư luận phản đối ông Abe, không chuẩn bị đầy đủ cơ chế luật pháp về tổ chức quốc tang, sự bê bối về Giáo hội Thống Nhất, sự ghét bỏ ông Abe từ trước vì những chính sách gây tranh cãi của ông Abe cũng như những bê bối chính trị trước đó từ khi ông Abe còn tại vị, rồi thông tin chi phí quốc tang tốn kém lên đến 2 tỉ Yên (khoảng 14 triệu USD), tất cả đã đẩy phong trào phản đối quốc tang ông Abe lên cao. Đã có những cuộc biểu tình phản đối, rồi có người dân tự thiêu phản đối (may chưa tử vong). Hiếm có những vụ việc phản đối chính trị mạnh mẽ như thế này.

Thứ sáu, ngẫu nhiên mà Nữ hoàng Anh Elizabeth II mới băng hà gần đây và cũng được nước Anh tổ chức quốc tang. Người Nhật đương nhiên so sánh 2 sự kiện và thấy rằng một bên là được toàn dân khóc lóc tiếc thương, một bên là nhiều phản đối khinh thường; một bên là được hàng trăm nguyên thủ quốc gia lớn tham dự, một bên là chỉ các nguyên thủ quốc gia nước nhỏ, hoặc cựu nguyên thủ quốc gia, hoặc các ông bà phó. 7 quốc gia phát triển nhất thế giới G7 không có nguyên thủ quốc gia nào tham dự. Thủ tướng Canada đã huỷ tham dự vào phút chót. Sự khác biệt là khá rõ ràng.

Như vậy chúng ta có thể thấy vụ ám sát ông Abe không phải là một vụ án chính trị như nghi vấn ban đầu, hung thủ không phản đối đường lối chính trị của ông Abe, mà vụ án thực ra có động cơ mâu thuẫn xã hội. Xã hội Nhật đã thể hiện mặt tối có yếu tố tôn giáo, mặc dù thực ra chưa chắc đã là tôn giáo thực sự. Nhiều người dân bị thiệt hại, phá sản, gia đình tan vỡ bởi sự lộng hành bất lương mang màu sắc tôn giáo. Mặt khác, những nạn nhân này không được xã hội biết đến, không được bảo vệ. Không những vậy, tôn giáo đã cấu kết hoặc lợi dụng chính trị ở tầng lớp cao cấp và rộng khắp để làm vỏ bọc hoạt động, chưa kể là có thể có những khuất tất nào đó chưa được phanh phui ra.

Tuy nhiên, dù có những phản đối mạnh mẽ nhưng chắc Chính phủ Nhật vẫn sẽ tổ chức thành công quốc tang của ông Abe. Họ đã chứng tỏ được sự thành công tổ chức sự kiện thể thao lớn là Olympics Tokyo 2020 trong năm 2021 dù có nhiều phản đối của người Nhật và cả trên thế giới. Dù sao thì mọi người cũng nên nhớ lại là người Nhật luôn luôn là những người bàn lùi, phản đối và chê bai mọi thứ, cũng có truyền thống tự chê, tự ty, tự phê phán.

Phía Việt Nam có đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự quốc tang cựu thủ thướng Abe Shinzo.

Đọc thêm bài cũ (phần 1):


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

1 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
trackback
Tháng Chín 26, 2022 11:03 chiều

[…] Quốc tang gây tranh cãi – phần 2 Facebook page Mai PB Blog […]

1
0
Would love your thoughts, please comment.x