Press "Enter" to skip to content

Cố thủ tướng Nhật Abe Shinzo 安倍晋三

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Cố thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát ngày 8/7/2022, hưởng dương 67 tuổi (tính theo tuổi Nhật Bản vì ông Abe sinh ngày 21/9/1954 nên là chưa tròn 68 tuổi). Nước Nhật bàng hoàng, tức giận, bi thương. Ở nhiệm kỳ thủ tướng thứ nhất, ông đã là Thủ tướng trẻ nhất sau Thế chiến thứ 2. Hết nhiệm kỳ thủ tướng thứ 2, ông trở thành Thủ tướng Nhật tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Nhật.

Nếu không bị ám sát, có lẽ ông ấy sẽ còn sống lâu nữa dù rằng ông ấy mới từ chức Thủ tướng Nhật năm 2020 với lý do bệnh viêm đại tràng tái phát. Người Nhật có tuổi thọ rất cao trên thế giới, ở Nhật rất phổ biến khái niệm “100 năm cuộc đời”. Tuy nhiên một điều trùng hợp là cha của ông cũng mất năm 67 tuổi vì bệnh. Ông Abe có thể được coi như là một chính trị gia “công tử” vì được sinh ra trong gia đình chính trị gia dòng dõi. Ông ngoại và một người ông trong họ là 2 cố Thủ tướng Nhật, bố là cố Ngoại trưởng. Hiện tại em ruột ông Abe cũng là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Abe nên được đánh giá ra sao? Có lẽ ông Abe thành công nhất về mặt ngoại giao quốc tế. Rất nhiều quốc gia từ các nguyên thủ, người nổi tiếng, cho đến người dân đều shock và tiếc thương cái chết của ông. Ấn Độ và Brazil để quốc tang. Các quốc gia đồng minh như Mỹ, EU, Anh, Pháp, Đức là đương nhiên, các quốc gia đối thủ như Nga, Trung, Hàn đều ca ngợi ông Abe. Còn Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ một chính trị gia nước ngoài nào, người nước ngoài nào được người dân Việt Nam tỏ ra kính trọng và thương tiếc như vậy, dù là họ không có liên hệ gì với nước Nhật hoặc quan tâm đến chính trị. Thật ngạc nhiên và thú vị khi thấy mạng xã hội của Việt Nam, từ những trang của giới trẻ cho đến showbiz, từ trang Chính phủ cho đến trí thức, cả trong nước và hải ngoại… đều dày đặc tin tức và hình ảnh được vẽ lên tận mây xanh của ông.

Đây là kết quả của sự năng động, hiệu quả, mạnh mẽ trên trường quốc tế của ông Abe, kết hợp với hình ảnh bình dị, dễ gần của cá nhân ông, và tất nhiên là cũng do nhiệm kì dài gần 8 năm, khiến cả thế giới quen mặt, nước Nhật nghĩa là ông Abe và ông Abe nghĩa là nước Nhật. Thành quả lớn nhất có lẽ là tạo nên một cơ chế mới về hợp tác an ninh xuyên suốt 2 đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đến nỗi Ấn Độ gọi ông Abe là cha đẻ của liên minh QUAD, tức Bộ Tứ Mỹ-Ấn-Nhật-Úc để đối lại ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc. Các quan hệ ngoại giao quốc tế đa chiều đan chéo nhau ở Châu Á Thái Bình Dương đã được Nhật Bản tham gia tích cực, dẫn đến lôi kéo cả Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn, Úc phải cân bằng nhau, khiến cho có những bình luận chính trị cho rằng điều này có thể giúp khó xảy ra chiến tranh ở châu Á như đang xảy ra ở Ukraine. Thực tế, ông Abe đã giúp thay đổi một hình ảnh nước Nhật nhu nhược, kém nhanh nhẹn, thay đổi thủ tướng như thay áo sau mỗi năm. Tuy nhiên quan hệ với các quốc gia láng giềng hầu như không được cải thiện. Ông cũng không làm được gì trong vấn đề người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, một vấn đề luôn được đề cao hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Dưới thời ông Abe, thuế tiêu dùng đã tăng 2 lần từ 5% lên 8% rồi 10%, được cả đánh giá tốt và xấu, nhưng điều rõ ràng là ông Abe đã rất giỏi mới làm được việc này mà không bị thất bại bởi bầu cử sau đó. Ông là Thủ tướng Nhật đầu tiên mời được Tổng thống Mỹ đến dự lể tưởng niệm nạn nhân bom hạt nhân ở Hiroshima. Cũng là Thủ tướng thành công trong việc ứng cử tổ chức Olympics Tokyo 2020. Sự kiên quyết trong thay đổi diễn giải về Hiến pháp vốn bó buộc chặt chẽ lực lượng phòng vệ, đã giúp lực lượng này có thể tham gia một số hoạt động mạnh mẽ bên ngoài nước Nhật hơn, thay đổi cán cân an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương.

Về kinh tế, chắc rất nhiều người biết về chính sánh kinh tế được đặt theo tên ông là Abenomics. Tuy nhiên Abenomics thực ra không mang lại kết quả tốt cho kinh tế Nhật như mục tiêu đặt ra, nhiều tổ chức kinh tế đã cho rằng nó thất bại, hoặc đỡ hơn thì là thành công lúc đầu. Cơ bản của chính sách này là kìm hãm cho đồng Yên rẻ, nới lỏng mạnh mẽ định lượng tài chính, đặt mục tiêu lạm phát 2%. Kết quả là tuy thị trường chứng khoán Tokyo có tăng, GDP cũng tăng nhưng không bằng với đà tăng trưởng của thế giới, nên thành ra thực chất là giảm tăng trưởng. Yên giảm không làm cho lợi nhuận của các công ty tăng lên như kỳ vọng. Chính phủ của ông Abe giảm mạnh thuế doanh nghiệp, khiến cho các công ty báo lãi lớn, nhưng thực chất không kiếm được doanh thu nhiều hơn. Điều đó dẫn đến việc các công ty thực chất không phát triển, không tăng lương cho người lao động, và người Nhật tiếp tục không được tăng thu nhập đã 30 năm nay, trong khi các quốc gia phát triển khác đều tăng mạnh mẽ. Chính vì vậy mà xã hội Nhật đánh giá là Abenomics chỉ làm lợi cho các công ty chứ không giúp ích gì cho người dân Nhật cả. Đồng Yên sụp giảm giá trị mạnh gần đây do Mỹ tăng lãi suất chính sách nhưng nước Nhật tiếp tục kìm giữ lãi suất theo công thức từ thời Abenomics, hiện đang bị lên án mạnh mẽ.

Tuy nhiên cũng có những đối tượng nào đó trong xã hội nhận được ân huệ của các chính sách của ông Abe. Đồng Yên giảm khiến Nhật Bản trở nên rẻ đi, và thế giới nhảy vào mua Nhật Bản. Du lịch Nhật Bản vốn là “cành cao”, giờ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết (cho đến trước Covid-19), nên Nhật Bản đã đón nhận số lượng du khách kỷ lục, hình thành nên một nền kinh tế mới “inbound” (từ bên ngoài vào).

Việt Nam được nhận rất nhiều lợi ích từ các chính sách của ông Abe. Tiếp nối các chính sách ưu ái Việt Nam từ trước, ngoại giao Abe cung cấp ODA kỷ lục, mở rộng tiếp nhận người Việt nên số lượng người Việt Nam ở Nhật sau 8 năm cầm quyền của ông Abe đã tăng 9 lần từ 50 nghìn đến 450 nghìn người. Trong đó tăng chủ yếu là những người làm công việc công nhân, nông dân được gọi là “thực tập sinh kỹ năng”, và du học sinh. Tuy gọi là lợi ích cho người Việt nhưng chế độ thực tập sinh kỹ năng có rất nhiều sai phạm nhân quyền,  dầu vậy đó cũng không phải lỗi của chính sách mở rộng tiếp nhận của ông Abe, mà là khiếm khuyết của bản thân chế độ này có từ trước khi ông Abe cầm quyền. Chính quyền Abe ngược lại thì đã chủ đạo dẫn đến các cải cách của chế độ này. Đặc biệt, họ đã vượt qua sự chống đối của phe e ngại người nước ngoài, sáng tạo ra một chế độ mới cải cách điều kiện tiếp nhận và làm việc cho người nước ngoài, chế độ Tokutei Gino, tạm dịch là Kỹ năng Chỉ định, tức là một loại kỹ năng nào đó và chỉ hạn chế nội dung công việc trong kỹ năng đó mà thôi. Người Việt đi học đi làm ở Nhật trong thời kỳ này chỉ biết đến thủ tướng Abe có khuôn mặt gần gũi hiền lành. Họ rất biết ơn ông, họ cũng suy nghĩ rất đơn giản nên thậm chí nghĩ rằng ông Abe tặng họ 10 vạn Yên hỗ trợ Covid-19, mặc dù thực ra thì ông ấy lúc đầu không có ý định này, chỉ là đành phải áp dụng chính sách này do áp lực của đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền, và của nhiều nghị sĩ trong đảng của ông. Không sao, người Việt Nam trong sáng đơn giản, nhiều tình cảm, sống cảm tính, cũng là một đức tính quý. 🙂

Trong nước Nhật, ngược lại thì ông Abe là chính trị gia gây rất nhiều đánh giá ngược nhau. Ngoài những đánh giá tích cực nói trên thì người ta chỉ trích ông là có xu hướng hơi độc đoán (chính trị gia mạnh mẽ thường vậy), coi thường quốc hội (lập pháp), dùng quyền lực gây ảnh hưởng đến một số nhân sự cấp cao tư pháp. Trong vụ án me-too nổi tiếng của cô Ito Saori, Viện kiểm sát Tokyo đã quyết định đình chỉ khởi tố kẻ bị cô Ito tố cáo hãm hiếp, và đây được nhiều người cho là có bóng dáng ảnh hưởng của ông Abe. Ông Abe cũng dính vào vài vụ lùm xùm do tạo điều kiện thuận lợi cho bạn bè và người quen, rồi người quen của phu nhân ông Abe là bà Akie. Nhưng chúng có thể được coi là những lỗi lầm nhỏ nếu so với những gì mà ông Abe làm cho nước Nhật, còn thế giới thì thậm chí không biết đến, không quan tâm những điều đó.

Nhìn tổng thể, ông Abe chắc chắn là chính trị gia xuất sắc của Nhật Bản hiện đại và có khả năng là người Nhật nổi tiếng nhất trên thế giới.


Facebook page Mai PB Blog
Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x