Last updated on Tháng chín 15, 2023
Trong báo cáo định kì hàng năm mới nhất của Chính phủ Mỹ có tên gọi TRAFFICKING IN PERSONS REPORT 2021 về vấn nạn buôn bán người toàn thế giới, Nhật Bản tiếp tục bị phê phán về chế độ thực tập sinh tai tiếng, dù nước này đã cố gắng cải thiện chế độ này. Cụ thể là Nhật không kiểm soát đủ để các công ty tiếp nhận thực tập sinh và nghiệp đoàn đối xử tốt đủ với thực tập sinh.
Nhiều người Nhật cũng nhận rõ ra điều này, nghiệp đoàn chỉ là một kiểu môi giới có giấy phép, thực tập sinh là nguồn lao động giá rẻ bị lợi dụng và không được bảo vệ chu đáo. Đã có nhiều dư luận, thậm chí cả ở mức quốc hội Nhật cũng có những ý kiến kêu gọi bãi bỏ chế độ thực tập sinh này.
Cũng trong báo cáo này, Việt Nam bị chỉ trích từ phía ngược lại vì gửi lao động đi nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, mà không đảm bảo được quyền lợi của lao động người Việt.
Từ lâu, người ta đã biết là so với nhiều quốc gia khác cũng gửi thực tập sinh sang Nhật, thực tập sinh Việt Nam thực tế phải chi trả rất nhiều tiền, nhưng khi có vấn đề thì họ không thể kêu với ai cả, dù là đại sứ quán Việt Nam. Rất nhiều thực tập sinh Việt Nam phải bỏ trốn vì bị bóc lột cả tiền lương cả về điều kiện lao động, sinh hoạt, tự do cá nhân. Nói chung là nhân quyền cơ bản không được đảm bảo. Các cơ quan chức năng của Nhật như Tổ chức quản lý thực tập sinh nước ngoài (OTIT), các Cục quản lý tiêu chuẩn lao động địa phương, Cục quản lý xuất nhập cảnh, cảnh sát Nhật… đều không thể nào kiểm soát nổi.
Nước Nhật không kiểm soát được về phía Nhật. Việt Nam không kiểm soát được về phía Việt Nam. Nhật dựa vào Việt Nam mong Việt Nam kiểm soát. Việt Nam dựa vào Nhật mong Nhật cải thiện. Còn người lao động Việt Nam chịu 3, 4 tầng trung gian, quản lý bao nhiêu năm nay. Tiền thì mất nhiều mà môi trường thực tập ở Nhật không được đảm bảo. Thế nhưng họ vẫn đi lao động vì với nhiều người, thà đi có rủi ro còn hơn ở nhà chết đói.
Trở lại trường hợp của Nhật Bản, thực sự nước Nhật đang có rất nhiều vấn đề về lực lượng lao động. So với các nước phát triển khác, từ mấy chục năm nay, lương của người lao động Nhật Bản không tăng lên mấy. Cộng với dân số già, thiếu lao động trẻ, lao động chân tay đơn thuần càng thiếu hụt và không có đồng lương hấp dẫn, nước Nhật phải dựa vào lao động nước ngoài nhiều, và thực tập sinh cũng như chế độ “thực tập sinh phẩy” có tên gọi Tokutei Ginou là lực lượng nước ngoài chính đó. Từ năm ngoái 2020, người Việt Nam đã trở nên lực lượng lao động nước ngoài lớn nhất ở Nhật bởi vì Việt Nam gửi đi Nhật ngày càng nhiều lao động trong khi các quốc gia khác, ví dụ Trung Quốc lại giảm đi nhiều.
Theo nguyên lý thị trường, nếu thiếu lao động vì lương không hấp dẫn thì phải tăng lương. Nếu tăng lương khiến chi phí cao thì phải tăng giá bán sản phẩm. Nếu tăng giá bán sản phẩm khiến sản phẩm không bán được thì phải bỏ sản phẩm đó đi, hoặc thậm chí phải bỏ kinh doanh đi, phải cho phá sản. Nhưng nước Nhật không tuân theo nguyên lý thị trị trường đó mà lại ghìm giữ hiện trạng, chỉ ghìm lương và bù đắp bằng lao động nước ngoài giá rẻ. Đó là vấn đề của nước Nhật, và cũng có thể được coi là một trong các nguyên nhân khiến Nhật thiểu phát.
Đây là một câu chuyện dài tập, chắc sẽ còn được Mỹ nêu tên trong báo cáo 2022, 2023….
Bạn đọc quan tâm có thể đọc thêm bài viết cũ ở blog về vấn đề này. Mong nhận được nhiều comment. 🙂
[…] sinh này: “liệu chế độ thực tập sinh đã nên được kết thúc chưa, sau bao tai tiếng trên thế giới như vậy?”. Bộ Lao Động vẫn rất quan liêu và không dám nhìn thẳng vào sự […]