Last updated on Tháng năm 29, 2021
Shusen-no-hi 終戦の日
Hôm nay 15/8 là một ngày đặc biệt đối với người Nhật: ngày kết thúc Thế chiến II (thực tế là bại chiến), người Nhật gọi là ngày 終戦記念日 Shusen-kinenbi, hoặc nôm na là 終戦の日 Shusen-no-hi.
Lúc 12:00 ngày 15/8/1945, Chiêu Hoà Thiên Hoàng 昭和天皇 đã đích thân đọc chỉ dụ ngừng chiến 終戦の詔書 Shusen-no-shousho, tuyên bố thua cuộc, chấp nhận các điều kiện của phe Đồng Minh (tuyên bố Postdame).
Đây cũng là ngày giải phóng của bán đảo Triều Tiên khỏi sự thống trị thực dân của Nhật. Nhưng thật mỉa mai là ngay sau đó bị chia làm 2 nước Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc như bây giờ, bởi chính các nước Đồng Minh.
Yasukuni Jinja 靖国神社
Sau khi Nhật thua trận, nhiều tướng lĩnh và các nhà chính trị đứng đầu của nước Nhật thua trận bị các nước Đồng Minh truy tố là tội phạm chiến tranh, trong đó có cả ông ngoại của đương kim thủ tướng Nhật 安倍晋三 Abe Shinzo. Đặc biệt, 7 tướng lĩnh đứng đầu bộ máy chiến tranh của Nhật hồi đó bị xếp vào hạng A cao nhất, tên gọi tiếng Nhật là A級戦犯 A-kyu-sempan, đã bị xử treo cổ do các tội ác chống lại con người (làm chết dân thường, thảm sát…) hoặc “gây chiến tranh”.
Vấn đề đang được tranh cãi ở mức quốc tế, đó là các tội phạm chiến tranh dù bị xử tử hay chết trong tù sau đó, cùng với các quân nhân Nhật tử trận trong các cuộc chiến (nói theo tiếng Việt thì họ đều là liệt sĩ), đều được mai táng trong 1 ngôi đền (Thần Đạo) nổi tiếng ở giữa trung tâm Tokyo: 靖国神社, Yasukuni Jinja.
Thực ra, đền Yasukuni Jinja chính là ngôi đền được Minh Trị Thiên Hoàng chỉ thị lập ra với mục đích an táng tất cả những liệt sĩ của tất cả các cuộc chiến tranh “đã hiến dâng sinh mệnh quý giá của mình cho đất nước, lưu truyền lại cho hậu thế sau này” , chứ không chỉ Thế Chiến II như được quốc tế biết đến. Nơi này đang an táng đến 2,5 triệu liệt sĩ các cuộc chiến tranh, từ chiến tranh Nhật-Thanh (nhà Thanh ở Trung Quốc), chiến tranh Nhật-Nga, Thế Chiến I, cuộc chiến Mãn Châu…
国家のために尊い命を捧げられた人々の御霊を慰め、その事績を永く後世に伝えることを目的に創建された神社です。
http://www.yasukuni.or.jp/history/index.html
Đền này được xây dựng để an ủi vong linh của những con người đã hiến dâng sinh mệnh quý giá của mình cho đất nước, lưu truyền lại cho hậu thế sau này.
Người Nhật coi đó là liệt sĩ của mình, nghĩa tử là nghĩa tận, là những người đã hy sinh vì Tổ Quốc của mình. Và như ông ngoại của thủ tướng Abe có nói sau này, những tội phạm chiến tranh bị cáo buộc kia là do phe thắng trận cáo buộc, chứ bản thân họ không cho rằng mình là những tội phạm.
Mỗi năm cứ đến ngày 15/8 này, nhiều chính khách, nhiều người dân lại đến đền Yasukuni để viếng thăm đền và các liệt sĩ của mình, dù với tư cách chính khách hay tư cách cá nhân. Không biết là ngẫu nhiên hay không, ngày 15/8 lại cũng chính là lễ OBon là lễ thăm viếng người đã khuất (ở Việt Nam gọi là lễ Vu Lan). Tuy nhiên sự viếng thăm này luôn bị các nước “bị hại” bởi thực dân Nhật là Trung Quốc, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên (hơi mỉa mai là từ 2 nước bị hại biến thành 3 nước bị hại) lên tiếng phản đối, coi đó là hành vi bào chữa, biện hộ cho chiến tranh.
Nhìn về Việt Nam
Người Việt Nam nên coi những hành động này là thế nào? Có lẽ là bàng quan vì không liên quan trực tiếp đến mình? Nhưng sau này nếu Việt Nam tiến đến mức là bạn bè thân thiết, thậm chí đồng minh của Nhật Bản, biết đâu đấy, thì không thể không tỏ thái độ.
Cá nhân người viết bài cho rằng ít nhất Nhật Bản hành xử đúng hơn Việt Nam ở chỗ Nhật Bản tỏ rõ thái độ tôn trọng các tiền nhân của họ đã hy sinh cho đất nước, trong khi Việt Nam thì không thể hiện sự tôn trọng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Trường Sa, Hoàng Sa, chiến tranh Biên Giới 1979… vì e dè Trung Quốc. Không chỉ vậy, chế độ “thắng cuộc” hiện giờ cũng chưa tôn trọng đầy đủ tình cảm của người dân miền Nam, bên “thua cuộc”, ví dụ như việc nghĩa trang quân nhân của chính quyền Sài Gòn.
Tuy nhiên người viết dự đoán là trong vòng 10 năm nữa những điều trên sẽ được sửa đổi một cách âm thầm 🙂
Để trở thành những con người văn minh, phải biết độ lượng, vượt qua chính kiến, tôn trọng nhân văn.
…..
Hollywood đã dựng 1 bộ phim rất thú vị “終戦のエンペラー” (tên tiếng Anh: Emperor) về đề tài nước Mỹ tiếp quản nước Nhật bại trận.
Đền Yasukuni khá hoành tráng, ai chưa đến hãy đến thử xem một lần khi đến Tokyo. Và nếu đến viếng thăm trong ngày hôm nay, sẽ được chứng kiến sự thành kính đối với tiền nhân của người dân Nhật Bản. Biết đâu lại được chứng kiến cả rừng camera quay cảnh các chính khách Nhật viếng thăm đền.
Tham khảo:
Bài viết gốc (2014) cùng tác giả ở Facebook (có sửa đổi)
[…] Yasukuni phiên bản Việt Nam? […]