Press "Enter" to skip to content

Vài điều nên biết nếu sống ở Nhật

Last updated on Tháng chín 15, 2023

Loading

1. Hợp đồng thuê nhà đa phần thường là 2 năm, và sau đó sẽ được gia hạn từng 2 năm một. Nhưng hoàn toàn có thể dừng thuê nhà trước khi hết hạn hợp đồng, chỉ cần báo trước 1 tháng cho chủ nhà (qua công ty bất động sản) thì sẽ không bị phạt tiền gì, hoặc nộp 1 tháng tiền nhà và có thể kết thúc hợp đồng ngay lập tức. Điều này được ghi rõ trong hợp đồng.

Cũng có một vài ngoại lệ, ví dụ thay vì bắt đóng tiền đặt cọc ban đầu và không cần người bảo lãnh thì hợp đồng yêu cầu phạt một số tiền nào đó nếu hủy thuê trước thời hạn. Nhớ xem kỹ hợp đồng.

2. Trong vòng 1 năm sau khi chuyển nhà có thể được bưu điện chuyển bưu phẩm gửi đến địa chỉ cũ sang địa chỉ mới, miễn phí. Sau 1 năm đó, nếu vẫn có nhu cầu chuyển sang địa chỉ mới như vậy cũng vẫn có thể báo bưu điện chuyển giúp.

3. Nhân viên công ty dạng “nhân viên chính thức” (正社員, seishain, tức là tuyển dụng vô thời hạn), theo thông lệ là khi muốn thôi việc chỉ cần báo trước 1 tháng. Điều này được ghi rõ trong hợp đồng tuyển dụng và nội quy công ty. Thậm chí, về luật thì chỉ cần 2 tuần trước khi thôi việc, và không công ty nào có thể từ chối không cho nghỉ việc.

Các dạng nhân viên khác: hợp đồng, haken, thực tập sinh, arubaito thì xem thêm:
Thôi việc ở Nhật như thế nào?

4. Bình thường xin việc, giới thiệu việc, chuyển việc, thôi việc là miễn phí (mất phí là có vấn đề, sai luật). Nhiều thủ tục hành chính cũng là miễn phí.
Xem thêm:
Cẩn thận các dịch vụ “chuyển đổi sang visa đi làm”

5. Tất cả các giấy tờ tiếng Việt để nộp cho phía Nhật (tại Nhật) hầu như không cần công chứng của Việt Nam, chỉ cần dịch chính xác nội dung. Có thể tự mình dịch nếu có tự tin và tự chịu trách nhiệm.

6. Đại Sứ Quán Việt Nam tại Nhật hầu như không thể gọi điện thoại được, nhưng có thể hỏi điều tương tự nếu gọi điện lên Lãnh Sự Quán VN tại Osaka hoặc LSQ tại Fukuoka. Nhiều thủ tục hành chính có thể gửi và nhận giấy tờ qua bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát, không cần phải đến tận ĐSQ hoặc LSQ làm việc (lưu ý, một số thủ tục yêu cầu đến tận nơi, xem hướng dẫn ở trang web chính thức). Hầu hết các giấy tờ mẫu đều có thể download từ trên mạng để kê khai.

7. Có thể xin tư vấn về tư cách lưu trú, visa với chính Cục Xuất Nhập Cảnh mà không sợ bị ảnh hưởng gì đến tư cách visa của mình (trừ khi đang là tội phạm), và miễn phí.

8. Nếu gặp vấn đề rắc rối khi mua bán hàng hoá hoặc mua bán dịch vụ, có thể đến xin tư vấn ở chính quận/thành phố nơi mình ở được giảm, miễn, trả lại tiền, bồi thường…. Ví dụ bị lừa đảo bán hàng. Nơi cần đến là phòng 消費者センター (Shouhisha-senta, phòng Bảo vệ Người tiêu dùng) của địa phương đang sinh sống.

9. Nếu lỡ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng lừa đảo, phải báo ngay cho cảnh sát và ngân hàng. Cảnh sát sẽ điều tra mất thời gian, nhưng ngân hàng sẽ khoá tài khoản đó lại không cho sử dụng nữa. Càng nhanh càng tốt. (nhớ hạn chế mua bán cá nhân!)

10. Sinh viên (trừ trường tiếng Nhật) thì có thể được miễn đóng phí 年金 (nenkin, bảo hiểm hưu) trong thời gian học.

11. Sinh viên (trừ một số trường tiếng Nhật) có thể mua vé tháng tàu/xe bus với giá rẻ cho học sinh. Mỗi tháng có thể tiết kiệm từ vài nghìn đến vài vạn Yên. Nếu đang tìm trường tiếng Nhật, nên hỏi rõ trường có phải là đối tượng được giảm không. 

12. Nếu mua vé tháng tàu/xe bus thì có thể đi lại miễn phí không hạn chế số lần không chỉ 2 ga/bến đầu cuối, mà còn có thể sử dụng miễn phí tất cả các ga/bến ở giữa. Bởi vậy, nếu đi làm thêm ở ga/bến nào giữa 2 ga/bến đó thì coi như được đi lại miễn phí.

13. Khi mượn xe oto của người quen để lái mà xe của họ không bảo hiểm cho người mượn, có thể tự mình mua bảo hiểm oto có giá trị trong 24 tiếng với khoảng 500 Yên. Mua ở cửa hàng tiện lợi 7-eleven.

14. Mua đồ ở siêu thị lúc chiều tối thường là được giảm giá khá nhiều, có thể tiết kiệm tiền ăn hàng tháng đến một nửa.

15. Nếu làm thẻ hội viên (miễn phí) ở các cửa hàng điện máy lớn thì có thể được tích được point (điểm) khá nhiều, cỡ 10% trở lên. Không phải thứ gì mua ở Amazon cũng rẻ.

16. Nếu đăng ký làm thẻ tiền điện tử (miễn phí, hoặc vài trăm Yên/năm) thì mua hàng ở combini, máy bán tự động… có thể tích point (điểm) cỡ 1%. Vừa đỡ phải dùng tiền mặt, hạn chế tiêu tiền lẻ, vừa được lợi chút xíu.

17. Xem phim ở rạp khá đắt nhưng nếu là học sinh thì được giảm giá. Không chỉ thế, tuỳ rạp mà có nhiều hình thức giảm giá: ngày 1 mỗi tháng (hầu hết các rạp), 1 ngày nào đó mỗi tuần, ngày cho khách nữ mỗi tuần (lưu ý, không có ngày cho khách nam!), ngày thường, ngày …

18. Đi du lịch ở Nhật đừng nên quá chú trọng tiết kiệm tiền khách sạn bằng cách thuê khách sạn rẻ tiền hoặc nhà dân kiểu AirBnB, mà nên thưởng thức các khách sạn kiểu Nhật. Khách sạn kiểu Nhật, trừ city hotel, khác khách sạn các nước khác ở chỗ thường có suối nước nóng (onsen) và bữa ăn cực ngon mà các quán ăn bên ngoài hầu như không phục vụ. Bản thân khách sạn là yếu tố thưởng thức du lịch chứ không chỉ là nơi nghỉ qua đêm.

19. Nếu đi du lịch mua tour (package) bao gồm khách sạn và vé tàu xe đi lại thì sẽ rẻ hơn là mua riêng từng loại, nhất là tour kèm theo vé máy bay hoặc tàu siêu tốc Shinkansen.

20. Đi du lịch xa bằng đường sắt (bao gồm cả tàu siêu tốc Shinkansen) thì ít giảm được chi phí. Tuy nhiên nếu đi xa trên 100km thì học sinh được giảm 20%. Nếu đi tàu thường sẽ rẻ nhưng tốn thời gian. Có thể dùng phương tiện trung gian là đi bus: nhanh hơn tàu thường và rẻ hơn tàu nhanh. Nếu đi xe bus đêm thì có thể vừa tiết kiệm thời gian đi lại vừa tiết kiệm tiền khách sạn qua đêm. Có những loại xe bus đêm mà có thể nằm giường rất thoải mái.

21. Có rất nhiều hãng máy bay giá rẻ (LCC) đi lại khắp nước Nhật. Nếu mua vé sớm trước từ 2 tuần trở lên thì thậm chí có thể mua cả vé JAL hoặc ANA với giá rẻ tương tự.

22. Nếu nhận xe đạp của người khác cho mà không xin cả phiếu đăng ký số xe (防犯登録), hoặc tự ý nhặt xe đạp bỏ đi ngoài đường, thì sẽ có ngày bị cảnh sát sờ gáy rất phiền toái.

23. Người nước ngoài hoàn toàn có thể tự do mua nhà ở Nhật, miễn là có tiền. Có thể vay tiền mua nhà lãi suất thấp của ngân hàng Nhật, cỡ 1-2% năm, nhưng cần có đủ tín nhiệm với ngân hàng Nhật, ví dụ như có visa vĩnh trú, thu nhập cỡ 4-500 vạn Yên 1 năm trở lên, làm việc ở công ty đủ tín nhiệm, đã làm việc ổn định vài năm …

24. Là học sinh thì khó có thể mua bảo hiểm nhân thọ (đừng nhầm với bảo hiểm sức khỏe) ở Nhật nhưng có thể mua bảo hiểm du học tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

25. Nếu đang đi làm, nên xem các chế độ phúc lợi xã hội của công ty mình. Nhiều công ty tốt, nhất là các công lớn, có nhiều chế độ phụ cấp, hoặc sử dụng các dịch vụ phúc lợi bên ngoài rất ưu đãi.

26. Nếu đang đi làm, có thể xin giảm thuế thu nhập 所得税 Shotokuzei, và thuế dân cư 住民税 Jyuminzei nếu nhận bố mẹ ở Việt Nam làm người phụ dưỡng, với điều kiện chứng minh được thu nhập của bố mẹ thấp dưới 38 vạn Yên/năm, và chứng minh được có chuyển tiền về Việt Nam cho bố mẹ. Số tiền được giảm là từ vài vạn đến vài chục vạn Yên 1 năm, tuỳ thu nhập của bản thân chịu thuế ở mức nào. Cách làm: nói với phòng 人事 (jinji) của công ty là “扶養家族 (fuyou-kazoku) を申請 (shinsei) したい.”

27. Nếu làm thủ tục trong vòng 2 năm sau khi về VN thì sẽ được Chính phủ Nhật hoàn lại số tiền tương tự phí niên kim đã đóng nhiều nhất là 60 tháng (mấy năm trước đây chỉ là 36 tháng). Thủ tục hơi rắc rối nên có thể nhờ các “dich vụ nenkin” làm giúp, nhưng cẩn thận vì có nhiều lừa đảo.

28. Nếu đóng niên kim trên 36 tháng và trên 10 năm thì khi trên 65 tuổi sẽ được hưởng lương hưu của Nhật (tức là ở Nhật dưới 10 năm, đóng dưới 10 năm, thì sẽ phí tiền nhưng vẫn phải đóng vì đó là luật, chỉ được nhận lại chút ít như mục trên). Tuy nhiên, niên kim không chỉ là là lương hưu mà còn có giá trị đảm bảo trợ cấp trong 6 năm cho vợ/chồng/con trong trường hợp tử vong và thương tật nặng.

29. Nếu cứ ở Nhật 10 năm, trong đó có 5 năm năm đi làm, thu nhập đảm báo mức trung bình, đóng thuế đầy đủ, không có vi phạm pháp luật gì, thì hầu như chắc chắn sẽ xin được visa định cư (vĩnh trú). Có visa vĩnh trú sẽ được làm đủ mọi công việc, không bị bó buộc công việc theo visa như trước. Tuy nhiên nếu vi phạm pháp luật, hoặc làm sai quy định visa sau đó thì visa định cư cũng có thể bị tước bỏ hoặc mất hiệu lực.

30. Nhật Bản là một trong những trung tâm trình diễn nghệ thuật lớn của thế giới. Nhiều triển lãm của các viện bảo tàng tầm cỡ thế giới, nhiều ca sĩ nghệ sĩ ai cũng nghe danh đều hay ghé thăm Nhật Bản. Nên chịu khó tìm hiểu thông tin để không bỏ lỡ cơ hội.

31. Có rất nhiều chuyến bay hoặc tour từ Nhật Bản đi các nước với giá rẻ. Nên tranh thủ khi ở Nhật Bản để đi du lịch nước khác.

32. Nếu có tiếng Anh và tốt nghiệp đại học, cao học, dù không biết tiếng Nhật vẫn có khả năng xin việc vào nhiều công ty tốt của nước ngoài. Nhưng về lâu dài vẫn nên biết tiếng Nhật để biết nhiều thông tin hơn.

33. Chế độ bảo hiểm y tế công cộng của Nhật là một trong những chế độ bảo hiểm tốt nhất thế giới, và là bắt buộc đối với mọi cá nhân ở Nhật. Ngoài bảo hiểm cho bản thân còn có thể bảo hiểm cho người phụ dưỡng của mình ở Việt Nam (bố, mẹ) khi họ sang Nhật. Nếu chữa bệnh mà phí chữa bệnh quá cao, có chế độ hạn chế mức trần chi phí, nên với những bệnh hiểm nghèo đắt tiền (ung thư…) thì đây là điều rất có lợi. 


Ref:
Bài gốc đăng ở Facebook group Cộng Đồng Việt Nhật.

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x