Press "Enter" to skip to content

Tại sao “Tiên học lễ, hậu học văn” lại gây ra tranh luận?

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Đó là vì mỗi người hiểu một ý, không khác gì thầy bói mù cãi nhau về các bộ phận của con voi.

Lễ là 1 từ Hán Việt nên tất nhiên từ Trung Quốc sang. Từ này vẫn được dùng ở Trung Quốc, ở Việt Nam, ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc. Nó có thể ghép với nhiều từ khác và rất may là người Việt hiện đại vẫn có thể hiểu các ý nghĩa đó: lễ nghĩa, lễ phép, lễ nghi, nghi lễ, lễ lạt, lễ hội, hành lễ… Các ý nghĩa này không phải có cùng một nghĩa, và có vẻ như những ý kiến cãi nhau ở VN đang sa đà vào các ý khác xa nhau của chữ lễ này.

“Tiên học lễ, hậu học văn”. Nghe thì có vẻ như thành ngữ của Trung Quốc, nhưng sau khi đã tra tìm rất kỹ trên internet, cả tiếng Việt và tiếng Nhật, tiếng Trung, người viết không tìm thấy thành ngữ nào ngoài tiếng Việt. Câu nói nào khác có ý nghĩa tương tự cũng không tìm thấy ở nước nào khác ngoài Việt Nam. Ô hay, lạ nhỉ. 🙂 Vậy có thể đoán là người Việt tự sáng tác ra câu nói này dựa theo chữ Hán, chắc cũng tương tự như kiểu các học giả người Nhật sáng tác ra các câu chữ mới bằng chữ Hán như Kinh Tế, Chính Trị, hoặc sáng tác ra các câu chữ tiếng Anh kiểu Nhật.

Câu thành ngữ này đã tồn tại ở nhà trường của Việt Nam hàng chục năm nay, từ cả trước 1975 ở cả 2 miền Nam Bắc. Nó gắn với hình ảnh lễ phép của học trò với giáo viên. Nó cũng được nhà trường giáo dục cho học sinh phải lễ phép với “người trên” bao gồm ông bà, bố mẹ. Nhưng nó chưa bao giờ được dạy là lễ nghi cung kính kiểu phong kiến, cũng không liên quan gì đến sự “trên bảo dưới nghe” ở hệ thống xã hội, hành chính của Việt Nam, hoặc liên quan đến sự phải phục tùng của người dân đối với các quan chức. Cớ gì mà bây giờ chúng ta tranh cãi đả phá các quan hệ trên dưới đó mà lại kéo câu thành ngữ vào? Nó không có cái tội đó đâu. Quan hệ dân sự Việt Nam kia, nó có từ xa xưa do Nho giáo, do chế độ phong kiến, do chế độ cộng sản mà thôi. Chứ còn chữ lễ trong cái câu thành ngữ kia chắc chắn chỉ đơn giản là sự “lễ phép, lễ nghĩa, phép lịch sự” tối thiểu trong xã hội.

Ở Nhật và Trung Quốc, họ cũng giáo dục học sinh về mấy nghĩa “lễ phép, lễ nghĩa, phép lịch sự” trên. Lấy trường hợp ở Nhật, họ dạy từ những lớp mẫu giáo nhưng không hề có khẩu hiệu hay thành ngữ gì. Mà có gì đặc biệt đâu, đơn giản những câu chào, xin lỗi, cảm ơn, nó đều là lễ cả. Tại sao phải bỏ nó đi? Cái gì cần đả phá thì đả phá chứ những thứ thuộc về văn hoá đẹp đẽ và tối thiểu cần có để con người đối xử với nhau tốt hơn, xã hội đẹp hơn thì bỏ đi làm gì? Hình thức của lễ có thể khác nhau trong mỗi thời kỳ chứ bản thân lễ không là cái xấu.

“Lễ nghĩa phép tắc không phải là cái gì cứng nhắc gò bò, cũng không phải chỉ là hình thức, mà nó chính là dầu bôi trơn cho các sinh hoạt xã hội.” (Matsushita Kounosuke, nhà sáng lập Panasonics)

Nhiều người Việt đưa hình ảnh người phương Tây không cần lễ phép, chỉ bắt tay lịch sự. Nhưng bắt tay chính là đúng với tinh thần của cái “lễ” kia đó, chỉ là văn hoá khác nhau mà thôi. Phương Tây hay phương Đông hiện đại đều không thể thiếu văn hoá chào hỏi, văn hoá lịch sự. Hãy nhìn những khán phòng đứng lên vỗ tay nhiệt liệt trước các màn trình diễn tuyệt vời trên sân khấu. Hãy xem đám đông hân hoan tán thưởng các màn diễn thuyết hùng hồn của các diễn giả hùng biện ở phương Tây. Đó cũng chính là “lễ” hiện đại.

Nếu câu khẩu hiệu trên ở Việt Nam mang nặng tính hình thức và gắn chặt với lễ nghi phong kiến, bỏ nó đi có thể không phải là điều dở. Việt Nam quá nhiều khẩu hiệu suông rồi, nhất là chế độ miền Bắc từ sau 1945. Nhưng nếu nó được hiểu bởi đại đa số là sự lễ phép, cũng không nhất thiết phải bỏ. Thay vào đó, cần giáo dục cho học sinh cái lễ hiện đại, cái tâm thức cần có thay vì nghe lời giáo viên một phía, học một chiều, nghe lời tuân thủ tuyệt đối. Đó mới là cái thực chất của giáo dục mà Việt Nam cần đi theo. Khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu mà thôi. Bỏ khẩu hiệu đi chắc không thể nào hết được các thói quen khúm núm ở xã hội phong kiến kiểu hiện đại của Việt Nam đâu. 🙂


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x