Press "Enter" to skip to content

Tại sao Nhật Bản chán ngắt?

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Người Việt và nhiều quốc gia rất yêu thích Nhật Bản. Thực tế các giá trị văn hóa của Nhật được đánh giá cao, nhiều tính cách của người Nhật được coi trọng, du lịch Nhật hấp dẫn và phát triển mạnh mấy năm gần đây, trừ năm 2020 này vì dịch Covid 19.

Nhưng thực tế Nhật Bản là đất nước được coi là khá nhàm chán đối với nhiều người Nhật và người nước ngoài đang sống tại quốc gia này. Tại sao lại như vậy?

Người Nhật là một thể khá đồng nhất. Họ gần như không có dân tộc thiểu số, đại đa số là tộc người Yamato. Tính cách và văn hóa của họ phát triển đồng đều suốt trong dòng lịch sử, mọi người đều có nhận thức và giá trị quan khá giống nhau. Trong các giá trị quan đó nổi bật lên sự ghìm giữ cái tôi, đề cao tính cộng đồng, hạn chế sự phá cách, khinh ghét sự nổi bật, coi trọng sự chìm lặng.

Xã hội Nhật sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ hoang tàn sau thế chiến thứ 2 thì đã trở nên một đất nước khá ổn định, rất phát triển, trình độ học vấn cao đến mức cảm tưởng như họ phổ cập đại học (đang nói đa số).

Bởi vậy, xã hội Nhật
– Đa số chỉ là người Nhật
– Phần lớn là người làm công ăn lương trong các công ty.
– Làm gì mới cũng bị soi xét và nhiều rào cản.
– Không có phân hóa giàu nghèo
– Ai cũng hòa đồng và hòa thuận với nhau, tránh va chạm
….

Để đối chiếu, chúng ta có thể thấy các xã hội khác dù phát triển hay không đều có đủ thứ ma sát va chạm hàng ngày: kinh tế, tôn giáo, cạnh tranh, thái độ, khoe khoang, giàu nghèo, thế giới quan, nhân sinh quan, học vấn, dân trí…

Vậy thì sao mà tránh khỏi việc nước Nhật bị coi là chán ngán, thiếu màu sắc?

Ngay cả chính trị Nhật, tưởng là dân chủ đa nguyên thì thú vị lắm, nhưng các đảng phái cũng không khác nhau mấy, ít người làm được việc, nên người Nhật chả mấy ai quan tâm đi bầu cử, coi như bầu ai cũng vậy mà thôi.

Ai chịu khó quan sát sẽ thấy, ở Nhật chủ đạo chỉ có mấy màu sắc an toàn: trắng, đen, xám, be, ghi, xanh blue đậm. Không mấy ai dám xăm mình. Không thấy vẽ vời trên tường. Đường sá, nhà cửa thì chú trọng tính an toàn và tận dụng không gian, thay vì chú trọng kiến trúc.

Ngoan quá thì nhàm chán là phải thôi. 🙂

Tuy nhiên mặt khác, chính vì họ không có mấy cơ hội “hư”, không biết điều độ về mức độ hư, nên khi có cơ hội để phá cách, để hư, thì họ lại thể hiện khá kì cục, nhiều hành động và suy nghĩ khác thường đến mức quái dị, đó lại là một mặt dễ nhận thấy của sự “phá cách” Nhật Bản.

Muốn cân bằng được những điều này, bắt buộc Nhật Bản phải chịu khó giao thoa hơn với thế giới bên ngoài, bắt đầu từ sự giao lưu với những người nước ngoài ở Nhật. Thay vì dè bỉu và khó chịu, có lẽ họ nên học hỏi chính những người ngoại quốc này để làm phong phú hơn nhận thức và đời sống của chính người Nhật.


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x