Last updated on Tháng chín 15, 2023
Mới đó mà đã 10 năm kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2011 xảy ra thảm họa từ trận động đất siêu cự đại trong lịch sử cận hiện đại Nhật Bản được đặt tên là 東日本大震災 Đại động đất Đông Nhật Bản. Cái tên Đông Nhật Bản đã cho thấy nó trải dài qua một loạt tỉnh miền đông bắc và đông Nhật.
Khác với các trận động đất lớn khác, trận động đất siêu lớn này không chỉ có cường độ khủng khiếp chưa từng thấy trước đó, mà nó còn đặc biệt ở chỗ gây ra liền một lúc 3 thảm họa: động đất, sóng thần, và rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Động đất gây ra sóng thần. Sóng thần phá hoại chức năng làm lạnh nhiên liệu hạt nhiên khiến cho nổ khí hydro, và gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ nghiêm trọng tầm cỡ thế giới.
Hơn 90% số người chết là do sóng thần, đây cũng là điểm đặc biệt. Còn ảnh hưởng lâu dài đến tận vài chục, thậm chí cả trăm năm nữa, chính là rò rỉ phóng xạ. Thật không may, mà cũng có thể là lỗi chưa tính toán đủ con người, nơi xậy dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Fukushima là những nơi sóng thần lớn nhất, cao đến hơn 13m. Hơn 15 nghìn người chết, hơn 2500 người mất tích. Đến ngày hôm nay vẫn còn hơn 40 nghìn người phải sống ở các khu lánh nạn. Không chỉ gây ra người chết, mất tích, mà cả một vùng đất rộng lớn trở nên tan hoang, nhiều nơi bị cấm người đến sống, nhiều nơi khác dân bỏ đi hết. Có những địa phương quyết định xây lại cả những con đê mới khổng lồ che chắn cả vùng biển. Còn chính sách năng lượng dựa vào hạt nhân của Nhật và quốc gia cũng bị ảnh hưởng theo. Các đời nội các Chính phủ Nhật từ lúc đó có thêm vị trí Bộ trưởng phụ trách tái thiết, Bộ trưởng xử lý sự cố Fukushima. Mỗi người sinh sống ở Nhật đều phải đóng thuế thu nhập có thêm 1 phần đóng góp vào công cuộc tái thiết thảm họa này.
Đã sống ở Nhật là phải gắn liền với vận mệnh sẽ còn có những cơn động đất và sóng thần lớn, siêu lớn khác. Còn động đất cỡ vừa trở xuống thì cũng không cần để ý vì cơ sở hạ tầng và pháp lý, kỹ thuật xây dựng, sự chuẩn bị của xã hội đều có thể đáp ứng được. Cần phải luôn ý thức về những nguy cơ động đất này để tự bảo vệ mình.
Xem thêm: Sống chung với động đất ở Nhật Bản
Những cơn động đất lớn cho đến siêu lớn được dự báo là sẽ xảy ra theo chu kỳ vận động mạnh mẽ trong lòng trái đất, cụ thể là dưới đáy biển Thái Bình Dương, vết đứt gãy giữa các thềm lục địa mà Nhật Bản nằm ở một trong những điểm giao nhau này. Các nhà khoa học Nhật hàng năm đều công bố các bản đồ dự đoán động đất lớn trong tương lai gần 2-3 chục năm tới.
Cả một vùng duyên hải đỏ rực với xác suất từ 26-100%, chính là vành đai kinh tế trọng điểm của Nhật Bản bao gồm Tokyo, Nagoya, Osaka và các thành phố lớn khác. Nếu động đất lớn xảy ra nhưng không có sóng thần thì thiệt hại về người có thể không lớn như trận đại động đất nói trên, nhưng động đất xảy ra ở các trung tâm kinh tế lớn này thì khác hẳn với động đất ở vùng đông bắc kia, nó sẽ có thể khiến cho nước Nhật thiệt hại kinh tế kinh khủng. Đã có những tờ báo dự đoán bi quan là Nhật có thể sẽ không còn là nền kinh tế lớn nữa nếu thiệt hại như vậy. Tuy nhiên, cùng với thời gian chúng ta có thể hy vọng khoa học kĩ thuật và ý thức con người, nhất là con người kỷ luật ở Nhật, có thể giảm bớt phần nào thiệt hại. Pray for Japan.