Press "Enter" to skip to content

Dành cho người sắp đi hoặc mới sang Nhật.

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

(Viết lần đầu 2017, có chút sửa đổi 1/2023)

Chúc mừng các bạn sẽ sang Nhật cho thoả ước mơ lâu nay. Mong các bạn trẻ sẽ học được những điều tốt từ nước Nhật, nhận thức được những điều hay dở của Việt Nam mà đi ra ngoài mới biết. Nhưng trước mắt để tránh rắc rối, gây mất thiện cảm với người Nhật, làm ảnh hưởng đến cả bản thân và những người Việt khác, mọi người chú ý những điều sau nhé.

– Giữ kỹ hộ chiếu, cất ở chỗ an toàn trong nhà chứ đừng mang đi đó đây. Nếu ở nhà chung với nhiều người thì nên mua 1 cái tủ có khoá, để vào đó.

– Giấy tờ khác của Việt Nam thì chỉ cần mang mỗi thứ 1 bộ công chứng: giấy khai sinh, bằng tốt nghiệp bậc học cao nhất, bảng điểm bậc học cao nhất, các bằng cấp ngoại ngữ, giấy đăng ký kết hôn. Bằng lái xe thì cần bằng gốc. Thứ không cần: giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. (Viết thêm:) Tuy nhiên nếu ai không chắc được gia đình giữ được các giấy tờ này cho mình tốt hơn mình, có thể làm công chứng gửi sang Nhật được cho mình thì tự mình hãy cầm bản gốc sang Nhật luôn là tốt hơn.

– Tiền bạc không mang nhiều trong người, chỉ rút số tiền tối thiểu. Ngân hàng của Nhật rút tiền rất tiện lợi, giữ tiền trong đó không mất phí nên đừng có rút nhiều. Các giấy tờ ít dùng thì không nên mang đi lại. Sổ ngân hàng mà bị mất là lộ hết thông tin thu nhập, tình trạng tài chính, thậm chí rút được tiền nếu lộ cả mã số ATM nên hạn chế mang đi lại.

– Cần đồ đạc nhỏ lặt vặt gì cứ ra cửa hàng 100 Yên tìm. Những đồ lớn hơn như bàn ghế, nên mua ở trên mạng cho đỡ phải mang vác. Ví dụ mua ở đây:

Nissen ニッセン: www.nissen.co.jp
Nitori ニトリ: www.nitori-net.jp
Amazon アマゾン: www.amazon.co.jp
Rakuten 楽天: www.rakuten.co.jp
Yahoo Shopping ヤフーショッピング: shopping.yahoo.co.jp

Nhật Bản là thiên đường của mua sắm online, tiện lợi, an toàn, rẻ. Không rành tiếng thì nhờ sempai hoặc thầy cô giáo ở trường chỉ dẫn. Ai có máy tính có thể dùng Google Translate hiểu tạm.

– Đi lại ở Nhật đều bằng tàu điện thường hoặc tàu điện ngầm, đi bộ. Ai cần đi nhiều xung quanh ga nên tìm mua xe đạp. Khoá cẩn thận. 1 cái xe đạp mới giá trên dưới 1 vạn Yên, đừng có tiếc rẻ gì cả vì sẽ dùng được vài năm, không có gì là đắt cả.

– Điện thoại thì tuy smartphone đắt tiền nhưng cần thiết cho cuộc sống, ví dụ như dùng Map, tra từ điển, hoặc gửi email, nên vẫn nên dùng. Tuy nhiên đừng có nhất thiết phải iPhone nhé. Nhớ là trong 4 hãng Softbank, au, docomo, Yahoo Mobile, thì docomo có network lớn nhất, tiếp đến là au. Softbank thì có nhiều cò nhất ^^. Yahoo Mobile rẻ nhất. Chú ý tránh nhắn tin bằng SMS quốc tế về Việt Nam vì cước khá đắt. Softbank có nhiều lắt léo trong cài đặt điện thoại, nếu tự ý lấy SIM card thuê cho điện thoại thường mà cài vào iPhone thì có thể bị cước rất cao.

– Sống chung nhà là một điều rất bất tiện và có nhiều rủi ro. Không nói chuyện nam nữ, thói quen sống khác nhau, trình độ văn hoá khác nhau có thể gây ra xích mích. Nếu một người bỏ ra khỏi nhà thì sẽ ảnh hưởng đến tiền nhà của những người còn lại. Nếu gây rắc rối khiến công ty bất động sản tìm đến thì có thể không được cho ở nhiều người nữa. Người ở lại cuối cùng có thể sẽ phải chịu trận về đủ thứ trách nhiệm và phí tổn.

– Không bao giờ được thuê, mua hay đăng ký gì hộ ai bằng tiền hoặc tên tuổi của mình. Nếu vì lý do “đồng hương” này nọ chẳng hạn thì nên biết là nhiều khi có việc gì xảy ra dù có về quê hương cũng sẽ không thấy đồng hương đó đâu cả. Lòng tốt, lòng tin người là tốt nhưng phải tự hiểu là nếu nó bị lợi dụng, mình sẽ bị thiệt hại. Phải chấp nhận được sự thiệt hại (nếu có) mới nên làm người tốt. Đừng lên group kể lể này nọ.

– Không cho nhau vay số tiền lớn nếu không chắc là họ trả được và sẽ trả cho mình, bởi vì họ không có tiền trả thì khả năng lấy lại được sẽ là số không nhé, dù có báo cảnh sát hay không, dù họ có bị đuổi học hay là đuổi về nước hay không.

– Chú ý đừng làm ồn ở khu dân cư, không tụ tập bạn bè ăn uống chơi bời đêm khuya. Đi lại ở ngoài đường cũng không bá vai bá cổ, khoác tay khoác chân, cười nói ầm ĩ. Hầu hết người Nhật không nói gì đâu nhưng nên biết là họ coi mình như những con khỉ đó.

– Rác ở Nhật là phải phân biệt ra rác cháy được và không cháy được, rác tái sinh. Xem xét kỹ hướng dẫn ở khu vứt rác mình sống vì cách phân biệt có hơi khác nhau ở mỗi thành phố. Các khu khác nhau có ngày vứt rác theo quy định riêng. Người Nhật đặc biệt chặt chẽ về chuyện này, nếu làm phiền có thể bị nhắc nhở và bị liên lạc đến công ty bất động sản. Nếu không tuân thủ có thể bị đuổi ra khỏi nhà thuê.

– Biết những phép lịch sự tối thiểu khác: khi đi tàu thì phải đợi khách xuống tàu rồi mới lên tàu. Khi vào cầu thang máy cũng vậy. Đi cầu thang cuốn thì đứng về bên trái (ở Tokyo và phụ cận) hoặc đứng về bên phải (ở Osaka và phụ cận), bên phải dành cho người vội lên xuống.

– Xe đạp cũng phải tuân thủ luật giao thông. Chú ý xem các biển dừng. Lưu ý là đường chính của xe đạp không phải là vỉa hè mà chính là đường đi như xe oto hay xe máy. Đi trên vỉa hè thì phải cẩn thận đâm vào người đi bộ. Nếu đi xe đạp mà gây tai nạn cho người đi bộ hoặc kể cả xe cơ giới, có thể phải bị bồi thường thiệt hại vô cùng nhiều tiền.

– Điều quan trọng: không được ăn cắp!!!! Có thể các bạn trẻ ở Việt Nam chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện này khi ở Việt Nam, nhưng sang Nhật thấy mọi thứ hớ hênh hoặc bị rủ rê tự dưng trở thành táy máy. Nên nhớ là camera phòng tội phạm có ở mọi nơi.

– Đi làm thêm thì chịu khó lắng nghe, ghi nhớ, ghi chép vào sổ, hỏi người Nhật cùng làm những gì chưa hiểu. Cố gắng và cố gắng, sẽ có những đền đáp không ngờ đấy.

– Sang Nhật rồi đừng vì sốt ruột đi làm thêm ngay mà chịu mất tiền giới thiệu việc (“shoukai”, “sokai”). Nếu có thể nghe nói chút xíu hoàn toàn có thể tự xin được việc. Thông tin miễn phí có ở mọi nơi, ví dụ các nhóm người Việt ở Nhật trên Facebook, hoặc qua các anh chị học trên cùng trường.


Tham khảo: bài viết gốc cùng tác giả ở Facebook.

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x