Press "Enter" to skip to content

Làm hỏng hóc khi thuê nhà ở Nhật? Cứ bình tĩnh.

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Đại đa số người Việt đều tự thuê nhà khi sinh sống ở Nhật. Dù là thuê nhà アパート (Apato, nhà gỗ thấp tầng) hay マンション (Mansion, nhà beton cao tầng), dù nhà mới hay nhà cũ thì cũng đều có thể phát sinh ra các sự cố hỏng hóc trong nhà: làm bẩn tường, làm rơi đồ thủng sàn nhà, nước tràn ra ngoài… Nặng thì làm cháy góc bếp, hỏng bếp điện. Tất nhiên ngoài việc lo việc dọn dẹp, sửa chữa, thường người thuê nhà sẽ rất sợ haĩ khi nghĩ đến việc bồi thường thiệt hại cho chủ nhà. Thực tế thì rất nhiều người Việt cũng hay lên mạng xã hội để hỏi han, đa phần các câu trả lời thường là khuyên nên tự đi mua đồ đạc thay thế hoặc tìm cách tự sửa chữa. Bài viết này mong giúp mọi người có một kiến thức đầy đủ và thích hợp nhất khi gặp những trường hợp như vậy.

Thứ nhất, về nguyên tắc, các hỏng hóc tự nhiên của căn nhà và thiết bị thì trách nhiệm sửa chữa thuộc về chủ nhà. Có những vấn đề mà nhiều người thuê nhà tưởng là phải đền bù, nhưng nếu nó xảy ra do cũ kỹ theo năm tháng, hoặc sự cố sẽ không tránh được dù sinh hoạt một cách bình thường, thì cũng đều được xếp vào nguyên nhân tự nhiên. Ví dụ:

  • Tường nhà bị ố vàng do ánh nắng chiếu vào liên tục
  • Ván sàn nhà bị cong, tróc do gỗ bị thoái hoá theo thời gian
  • Bếp điện, bếp từ đang đun nấu tự dưng hỏng
  • Cánh cửa buồng tắm tự dưng nứt
  • Tường chỗ đặt tivi bị đen sạm vì dây điện

Nói ngắn gọn, đang sinh hoạt chứ không tác động gì đến mà tự dưng bị hỏng thì người thuê nhà không có trách nhiệm phải sửa chữa, đền bù. Có một số ngoại lệ là bóng đèn hỏng thì có những chủ nhà không thay thế mà yêu cầu người thuê nhà tự thay, điều này sẽ được nhắc đến trong hợp đồng. Khi thuê nhà thì nhớ đọc kỹ hợp đồng. Nếu không đọc được thì chụp ảnh hợp đồng rồi hỏi người biết tiếng, hoặc nhờ Google Dịch hoặc các công cụ AI nhé.

Thứ hai, các vấn đề không phải do tự nhiên mà hỏng, mà nguyên nhân là từ cách sử dụng nhà, hoàn cảnh sinh hoạt của người thuê nhà thì trách nhiệm sửa chữa, phục hồi sẽ thuộc về người thuê nhà. Điều này hiển nhiên không cần nói nhiều. Việc sửa chữa hỏng hóc này có thể là tốn kém. Người thuê nhà sẽ cần phục hồi lại nguyên trạng ngay khi sự cố xảy ra, hoặc đền bù cho chủ nhà khi dọn ra khỏi nhà thuê.

Tuy nhiên, chắc bạn cũng nhớ rằng khi thuê nhà thì phần lớn người thuê nhà bị yêu cầu phải mua 火災保険 (bảo hiểm hoả hoạn), phải không? Tuỳ theo nội dung bạn đã mua bảo hiểm, bạn có thể yêu cầu bảo hiểm chi trả để sửa chữa sự cố, phục hồi nguyên trạng căn nhà.

Tuy tên gọi là bảo hiểm hoả hoạn, nhưng ở Nhật thì bảo hiểm này phạm vi khá rộng, có thể bao gồm cho các sự cố về cháy, nổ, sét đánh, nước, gió, bão, trộm cắp, hỏng hóc, làm bẩn. Người thuê nhà khi mua bảo hiểm hoả hoạn thường sẽ được giới thiệu chọn mua các nội dung phổ biến như sau.

a. 火災、落雷、破裂・爆発 (Cháy, sét đánh, vỡ/nổ). Ví dụ:

  • Hút thuốc rồi ngủ quên gây ra cháy.
  • Quên không tắt máy sưởi dầu, bếp gas gây ra xém đen.
  • Bình gas mini nổ bắn ra làm hỏng tường.

b. 水ねれ (Tràn nước, thấm nước). Ví dụ:

  • Ống thoát nước của máy giặt bị hỏng làm tràn nước gây ra bẩn tường, sàn nhà.

c. 破損、汚損 (Làm hỏng, làm bẩn). Ví dụ:

  • Làm rơi đồ gây thủng sàn nhà.
  • Trẻ con chạy nhảy làm hỏng cửa.
  • Thú cưng cào hỏng tường.

d. 借家人賠償責任補償 (bồi thường cho trách nhiệm của người thuê nhà đối với chủ nhà). Đối tượng nhận bồi thường chỉ là chủ nhà, bồi thường những vấn đề xảy ra với căn nhà thuê, và nguyên nhân sự cố, tai nạn là các mục a, b, c nói trên.

e. 修理費用保険 (bảo hiểm sửa chữa hỏng hóc nhà cửa, thiết bị). Ví dụ thì tương tự như ví dụ ở mục c ở trên. Tuỳ vào sản phẩm bảo hiểm có thể không có khoản c nhưng lại có khoản e, thì cũng có thể dùng tương đương.

f. 個人賠償責任 (bồi thường cho trách nhiệm cá nhân đối với người khác, ngoài chủ nhà). Điều khoản này khá đặc biệt và có lợi ở chỗ việc bồi thường không chỉ hạn chế trong phạm vi căn nhà, và không chỉ áp dụng cho bản thân mà cả gia đình mình. Ví dụ:

  • Trẻ con nghịch làm xước oto của hàng xóm.
  • Bản thân hoặc người nhà đi xe đạp đâm vào người khác (rất quan trọng và hữu ích!).

Nói thêm về việc bồi thường đối với chủ nhà. Bồi thường chỉ là cách nói chung. Bạn không cần phải là đợi đến khi dọn ra khỏi nhà mới lo gọi bảo hiểm bồi thường. Trong khi bạn vẫn đang sinh hoạt ở căn nhà này, việc bạn cần làm thực chất là sửa chữa lại hỏng hóc và yêu cầu bảo hiểm chi trả. Trình tự là như sau.

  1. Liên lạc với bảo hiểm thông báo về sự cố (tai nạn), giải thích về sự cố, xác nhận là bảo hiểm sẽ chi trả cho việc sửa chữa.
  2. Liên lạc với một công ty dịch vụ sửa chữa hoặc bán sản phẩm thay thế, đề nghị tính toán tất cả chi phí sửa chữa hoặc mua mới thay thế.
  3. Chuẩn bị các giấy tờ: ảnh chỗ hỏng hóc, giấy báo giá sửa chữa, thông tin gia nhập bảo hiểm.
  4. Liên hệ với công ty bảo hiểm đề nghị họ tiến hành chi trả.
  5. Đợi phản hồi của công ty bảo hiểm.
  6. Tiến hành sửa chữa, mua sắm thay thế.

Lưu ý là tất cả sự cố xảy ra do sự cố ý của người thuê nhà sẽ không được bảo hiểm chi trả. Chưa kể rằng hành vi cố ý có thể được coi là phá hoại và bị báo cho cảnh sát.

火災保険 quan trọng và hữu ích như vậy nên bạn nhớ kiểm tra các điều khoản bảo hiểm, nếu chưa mua hoặc mua thiếu thì nên liên hệ với công ty bảo hiểm để mua thêm. Mà phí bảo hiểm cũng rất rẻ, nói chung chỉ khoảng 1 vạn Yên 1 năm mà thôi.

Điều cuối cùng nói thêm là khi ra khỏi nhà thuê, bạn sẽ được trả lại tiền đặc cọc (敷金) đã đóng khi thuê nhà, nhưng sẽ phải trừ đi phí chi trả cho dịch vụ vệ sinh nhà chuyên nghiệp (クリーニングサービス), trung bình là 2 vạn Yên. Phí này không bao kèm phí dọn dẹp đồ đạc vứt lại nhà nên nếu người thuê nhà không dọn hết đồ đạc đi, có thể sẽ bị chủ nhà trừ thêm phí dọn dẹp đồ, có lẽ là vài vạn Yên.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp người thuê nhà Việt Nam chuẩn bị tốt và yên tâm khi thuê nhà ở Nhật.


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x