Press "Enter" to skip to content

Biểu tình, nên hay không?

Last updated on Tháng chín 15, 2023

Loading

An anti goverment protester flashes a victory sign during the clashes between protestors and riot police on Taksim square in Istanbul on June 22, 2013. Turkish police used water cannon today to disperse thousands of demonstrators who had gathered anew in Istanbul’s Taksim Square, calling for the resignation of Prime Minister Recep Tayyip Erdogan. AFP PHOTO / OZAN KOSE (Photo credit should read OZAN KOSE/AFP/Getty Images)

Sự phẫn nộ của người dân Việt Nam đối với Dự luật Đặc Khu Kinh Tế đã dẫn đến biểu tình trên toàn đất nước. Cùng lúc đó, như mọi lần trước, luôn có một dư luận khác phản đối biểu tình với lý luận rằng biểu tình là do bị xúi giục, là gây rối trật tự xã hội, là phá phách. Tất nhiên là báo chí chính thống (“lề phải”) và chính quyền luôn phỉ báng và đàn áp biểu tình.

Thực tế thì biểu tình ở Việt Nam luôn có bạo động, đến từ cả 2 phía: chính quyền đàn áp người biểu tình tàn bạo, cử công an đóng giả dân sự đến phá phách và gây rối trước hoặc đổ vấy bạo động lên người biểu tình, và thực tế cũng có những người dân bạo động theo kiểu dậu đổ bìm leo, ăn theo bạo động để biểu đạt phẫn uất xã hội nói chung.

Vậy, biểu tình là tốt hay xấu?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu thế nào là biểu tình.

Biểu tình là quyền lợi hợp pháp của người dân ở nhiều quốc gia phát triển. Biểu tình không chỉ là nhu cầu hợp pháp, thực tiễn của xã hội, mà còn là một tiêu chuẩn về tự do biểu đạt tư tưởng trong thế giới hiện đại.

Ngay ở Việt Nam, biểu tình cũng được bảo đảm trong Hiến pháp (Hiến Pháp 2013, điều 25, chương II). Hiến Pháp 1946 lúc mới ra đời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đã đảm bảo các quyền biểu tình, hội họp, tự do ngôn luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng với các phát ngôn cổ vũ quyền “mở miệng” của người dân.

Thực ra chính từ các hoạt động biểu tình mà đã dẫn đến phong trào khởi nghĩa, đấu tranh cách mạng, và nhờ đó mà Nhà nước Việt Nam đã ra đời. Cũng chính các phong trào biểu tình ở miền nam Việt Nam, biểu tình phản chiến ở Mỹ mà chính quyền Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, chính quyền miền Nam Việt Nam suy yếu, góp phần thắng lợi cho miền Bắc Việt Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Nếu không có biểu tình, chắc gì đã có nước Việt Nam như hôm nay, chắc gì Đảng Cộng Sản đã lãnh đạo độc quyền như thế này? Chính họ, chính quyền Việt Nam, hiểu hơn ai hết hiệu quả mạnh mẽ của biểu tình, và vì vậy mà họ cấm, họ tẩy não nhân dân coi biểu tình là cái xấu.

Biểu tình trong thế giới hiện đại thì sao?

Có lẽ nhiều người có ấn tượng trong đầu về những cuộc biểu tình đầy màu sắc bạo lực giữa người dân Palestine bị chiếm đóng lãnh thổ, và binh lính Israel là phía chiếm đóng lãnh thổ. Thực ra đó là đấu tranh bạo động hơn là biểu tình. Chúng ta cần phải nhìn biểu tình trong bối cảnh người dân của 1 đất nước thể hiện chính kiến tại chính đất nước họ. Những cuộc biểu tình trong các đất nước văn minh dân chủ đều được tiến hành theo sự xin phép và cho phép của chính quyền địa phương, được cảnh sát lên kế hoạch cụ thể về địa điểm, thời gian, mục đích. Tất nhiên cảnh sát được cử đến vừa để giữ trật tự xã hội cho khu vực đó, vừa bảo vệ chính bản thân người biểu tình khỏi những người phản đối chính kiến biểu tình đó.

Như vậy, chúng ta đã thấy rằng thái độ tiêu cực đối với biểu tình là không đúng, mà hành vi bạo lực cũng phải được ngăn chặn. Không thể vì có tai nạn giao thông mà cấm xe cộ được. Anh phải giữ trật tự giao thông bằng đèn xanh đèn đỏ và camera!

Với trường hợp Việt Nam, đáng lẽ chính quyền phải ghi nhận nhu cầu biểu tình của người dân, phải cho phép người dân biểu tình, lên kế hoạch biểu tình cùng với họ.

Đáng lẽ công an, cảnh sát, trật tự xã hội phải cùng đi với đoàn biểu tình để vừa giữ trật tự vừa bảo vệ họ khỏi bị những đám đông gây rối làm phiền, vừa phải canh giữ loại bỏ những thành phần gây rối. Chính những người biểu tình thực thụ có nhu cầu được biểu tình trong hoà bình, không muốn bị đánh đồng và gây rối bởi những kẻ phá phách ăn theo.

Đáng lẽ xã hội phải công nhận nhu cầu biểu tình, biểu đạt tư tưởng, chính kiến của người dân, thay vì chửi nhau trên Internet là ngu, là dốt (ngu chửi nhau).

Nhưng không.

Chính quyền coi tất cả biểu tình là chống đối họ, chứ họ không công nhận quyền dân chủ của dân. Họ xuống tay với chính người dân của mình bởi vì họ không vì dân, mà chỉ vì bản thân chính quyền.

Dư luận xã hội, nào là dân trí thấp bị lợi dụng, nào là trí thức trùm chăn, nào là những người chê sạch hoặc khen tuốt các giá trị nước ngoài cãi nhau, nào là những người Việt đay nghiệt chửi nhau vì khác chính kiến. Các từ ngữ chụp mũ “dư luận viên”, “phản động”, “bò đỏ”, “3 sọc” thi nhau được ném ra như cái chợ.

Những người Việt văn minh, có học, có cái nhìn khách quan thật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Học cao thế nào, giàu có ra sao, đi Tây đi Tàu cỡ nào, mà không có nhận thức văn minh rằng biểu tình là được mở miệng, để thể hiện sự tự do suy nghĩ, biểu đạt thoải mái tư tưởng của mình… thì chỉ là những con cừu ngờ nghệch đáng thương be be với nhau mà thôi.

Mong sao người Việt bớt chửi nhau đi. Những người chửi mạnh nhất, chắc họ tự phụ về suy nghĩ của mình, nhưng họ không hiểu rằng những người thông minh và đáng trọng nhất trên thế giới này lại không bao giờ chê người khác là ngu, không bao giờ lên mặt cả.

Hy vọng rằng Quốc Hội sẽ sớm ra Luật Biểu Tình để người dân có thể yên tâm, tự do biểu đạt chính kiến trong an toàn, ôn hoà, được chính bản thân chính quyền giữ trật tự và bảo vệ, được xã hội công nhận.

Sẽ đến lúc mà biểu tình trở thành việc bình thường ở Việt Nam.



Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x