Press "Enter" to skip to content

Tiếp nhận toa tàu cũ của Nhật, có lý lắm chứ?

Last updated on Tháng Chín 15, 2023

Loading

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR) đang đề xuất xin tiếp nhận 37 toa tàu đường sắt cũ của Nhật Bản. Việc này đang được báo chí Việt Nam rất quan tâm.

Tổng Công ty đường sắt đề xuất nhập 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản (Báo Tiền Phong)

Nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản hết 140 tỷ đồng (Báo VietnamNet)

Định nhập khẩu toa tàu cũ đã chạy 40 năm, đường sắt tính…chạy lùi? (Báo Lao Động)

Chắc dư luận người Việt sẽ không thích lắm việc nhập tàu cũ này. Đường sắt Việt Nam bao nhiêu năm chẳng có gì phát triển, quá lạc hậu so với thế giới. Giờ lại còn nhập đồ cũ “phế thải”, sao mà chấp nhận được? Các bài báo trên cũng tỏ ra hoài nghi ích lợi của việc này.

Tuy nhiên chúng ta thử đọc và phân tích các thông tin Việt Nhật xem sao.

Kiha 40
Kiha 40, tuyến Aizu-wakamatsu (tỉnh Fukushima)

Công ty Đường sắt của Nhật Bản ngỏ ý cung cấp miễn phí cho đường sắt Việt Nam. VNR chỉ phải chịu chi phí vận chuyển, cải tạo để đưa vào sử dụng. Nếu phía Nhật muốn vứt bỏ, thanh lý đồ cũ thì thực ra điều này cũng hợp lý, vì họ cũng đỡ được bao nhiêu tiền tiêu hủy, coi như 2 bên cùng có lợi. Tuy nhiên, có vẻ là Nhật không cần phải cầu cạnh Việt Nam nhận đồ cũ này, vì nếu phía Việt Nam không nhận thì phía Nhật cũng sẽ nhượng nước khác. Trong thực tế, từ trước đến giờ đã có đến cả chục quốc gia vừa xin vừa mua cũ các toa tàu của Nhật.

日本から国外に譲渡された中古鉄道車両
“Toa tàu đường sắt cũ được chuyển nhượng từ Nhật Bản ra nước ngoài” (Wikipedia, tiếng Nhật)

Theo thông tin trên thì cho đến gần đây, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan đều đã từng nhập cũ các loại tàu của Nhật. Xa xưa hơn thì chính Việt Nam, rồi Đài Loan, cả Nga cũng đã từng nhập. Tại sao lại như vậy, bởi vì chắc không nhiều người biết rằng Nhật Bản là cường quốc đường sắt của thế giới. Người Nhật rất yêu đường sắt, phát triển đường sắt từ cả mấy thế kỉ nay, hệ thống đường sắt chằng chịt cả đất nước vốn có diện tích to và dài hơn Việt Nam 30%, và họ luôn luôn phát triển đổi mới hệ thống đường sắt của mình. Đường sắt Nhật cho nghỉ hưu định kì khá nhiều thế hệ tàu, còn số tàu cho tặng hoặc nhượng cũ lại cho các nước khác chỉ là một phần nhỏ mà thôi.

Về hệ thống toa tàu lần này, các toa tàu Nhật có khổ ray 1,067 m, đường sắt Việt Nam là khổ 1m. VNR nói sẽ cải tạo, không hiểu sẽ thay đổi đường ray (có lẽ không thể) hay thay đổi toa tàu? Nếu thu hẹp khổ bánh của toa tàu thì độ an toàn và tốc độ, độ rung độ ồn sẽ thay đổi ra sao? Có khi đây mới là điều cần quan tâm nhất chăng?

Các toa tàu này đã được sản xuất tại Nhật từ 1977-1982, nhưng thông tin của báo Việt Nam là các toa tàu được đề xuất lần này được sản xuất trong khoảng 1979-1982, tức là 39-42 tuổi. Tuy trên dưới 40 năm tuổi nhưng theo thông tin báo tiếng Nhật thì có vẻ như lý do chuyển đổi sang thế hệ tàu mới hơn là họ muốn chuyển đổi từ chạy diesel sang chạy điện. Đương nhiên thân thiện với môi trường hơn và chắc còn nhiều lý do khác nữa, nhưng không phải là lý do hỏng hóc, không thể dùng được, nguy hiểm… Với tư cách người dùng đồ Nhật Bản, chắc đa số chúng ta cũng biết đồ Nhật rất bền 🙂 Ở Nhật, loại tàu này vẫn còn được dùng, chỉ là bị bỏ khỏi lịch chạy định kì mà thôi.

JR東日本は定期運行終了 国鉄型ディーゼルカー「キハ40系」 見ることができる路線は?
Hãng Japan Railways Đông Nhật Bản sẽ dừng chạy định kì các toa tàu Diesel Kiha 40. Sẽ còn được nhìn thấy ở những tuyến đường sắt nào?” (tạp chí Traffic News, tiếng Nhật, 2021.07.03)

Trong tình hình hiện nay, Việt Nam không có nhiều tiền để nhập hệ thống đường sắt siêu tốc của các nước, ví dụ hệ thống Shinkansen của Nhật Bản mặc dù có nhu cầu rất cao. Việt Nam chắn chắn cũng không muốn nhập hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc vì nhiều lý do. Khi chưa có tiền và chưa có quyết sách tầm cỡ quốc gia để làm cuộc cách mạng đường sắt, thì nhập các tàu cũ của Nhật Bản để cải thiện hệ thống hiện có thể không phải là ý định tồi. Chắc chắn hệ thống toilet của tàu cũ của Nhật hơn đứt hệ thống toilet mà không phải là toilet thực sự của tàu Việt Nam rồi. 🙂

Còn thực tế ở Nhật, các loại tàu này chạy liên thành phố, liên tỉnh, đưa hành khách đi học đi làm hàng ngày, nhất là ở các thôn quê, tỉnh xa vì khoảng cách giữa các ga không quá gần như trong nội đô, nhưng cũng không phải quá xa như với các tàu cao tốc, siêu tốc. Bởi vậy mà nó hoàn toàn phù hợp với cách dùng của hệ thống đường sắt Bắc Nam hiện thời của Việt Nam. Những con tàu này chính ra rất nên thơ, gắn liền với những năm tháng phát triển kinh tế cao độ của Nhật Bản, là kỉ niệm của bao nhiêu thế hệ người Nhật, đi vào thơ ca. Đặc biệt, với những người yêu thích nhiếp ảnh thì những con tàu này không thể thiếu trong lĩnh vực nhiếp ảnh đường sắt.

“Sayonara, Kiha 40 tuyến Aizu-wakamatsu” (tỉnh Fukushima)
“Cảm ơn Kiha 40 Kiha 48, tuyến Gonou” (tỉnh Akita – tỉnh Aomori)
Kiha 40 tuyến Niitsu (tỉnh Niigata)
Kiha 40, tuyến San-in (tỉnh Kyoto – tỉnh Yamaguchi)

Ở Nhật có rất nhiều fan cuồng nhiệt của đường sắt, gọi tên lóng là Tetsudo-otaku (như là Otaku trong Anime-otaku hay Manga-otaku vậy). Trong đó cũng có những fan của loại tàu Kiha này. Nếu họ biết Kiha được hồi sinh ở Việt Nam, có khi Việt Nam lại trở thành điểm đến du lịch của nhiều otaku Nhật Bản. Hoặc biết đâu Việt Nam cũng tiếp nhận văn hóa yêu đường sắt của Nhật Bản mà sản sinh ra những otaku và nhiếp ảnh gia đường sắt của Việt Nam thì sao? Nếu được vậy thì xin ủng hộ VNR cả 2 tay!


Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x