Last updated on Tháng chín 15, 2023
Ngày Phụ nữ quốc tế 8/3 ở ở Nhật cũng có 1 cái tên nghe mỹ miều là 国際婦人デー. Tuy nhiên no không phải là một ngày được xã hội Nhật biết đến rộng rãi mà chỉ như một cái ngày của thế giới nào đó bên ngoài quần đảo Nhật Bản, xa xăm, không liên quan.
Cũng như số phận hẩm hiu của cái ngày này, phụ nữ ở Nhật không có địa vị cao. Các loại chỉ số xếp hạng về độ bình đẳng giới của nữ đều thấp ở Nhật, thấp nhất trong các nước G7. Mức độ bạo hành với phụ nữ trong gia đình cao. Cấu trúc và cách tổ chức xã hội không phù hợp để phụ nữ làm việc, bị bó buộc vào công việc nội trợ. Thiếu sự thông cảm của xã hội đối với những khó khăn của phụ nữ, với việc nuôi con. Vắng bóng nữ giới ở các chức vụ cao trong công ty, cơ quan Chính phủ, Quốc hội.
Nhưng điều phổ biến nhất là thái độ đánh giá thấp phụ nữ trong xã hội. Mới tháng trước ông cựu thủ tướng Nhật Mori đã phải từ chức Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympics Tokyo vì có những phát ngôn chê bai phụ nữ.
Một điều thú vị nhưng đáng buồn khác là mức độ xếp hạng hạnh phúc của nam nữ Nhật đều thấp, nhưng của nam giới Nhật lại quá thấp hơn nữ giới Nhật nhiều, dù là phụ nữ Nhật không được xã hội ưu ái. Điều này có thể được lý giải là vì phụ nữ Nhật bị trói buôc vào gia đình nhiều, thì ngược lại nam giới Nhật bị áp lực phải kiếm tiền ngoài xã hội, phải “thành công”.
Đã có nhiều ví dụ cho thấy nhiều phụ nữ Việt Nam đi làm ở Nhật, hoặc lấy chồng Nhật đã bị đối xử bất công. Có những phụ nữ Việt bị chồng Nhật bạo hành nhưng vẫn cam chịu vì có nguy cơ phải xa con cái. Những người nữ thực tập sinh Việt Nam khi muốn kết hôn rất hay bị cản trở, không được công ty chấp nhận, bị dọa đuổi về nước. Thậm chí đại sứ quán Việt Nam ở Nhật còn đòi thực tập sinh phải được công ty cho phép kết hôn trước khi cấp giấy chứng nhân đủ điều kiện kết hôn cho họ, dù là những điều này thực ra là trái luật của cả Việt Nam và Nhật Bản.
Tuy vậy, với cách nhìn khác, cũng không hẳn là người Nhật hoàn toàn “đì” và áp lực lên phụ nữ.
Ví dụ về việc người phụ nữ làm nội trợ ở nhà, người đàn ông làm việc ở ngoài xã hội. Với người Việt thì người phụ nữ phải được đi làm mới là bình đẳng. Với người Nhật thì không cho người phụ nữ được làm thiên chức của mình, bị bắt đi làm như đàn ông là bất bình đẳng.
Rồi là với người phụ nữ nói chung, người Việt luôn muốn họ lấy chồng đẻ con. Nhưng người Nhật họ cho rằng đó là tự do của người phụ nữ, bắt người phụ nữ phải làm điều đó là bất công bằng. Ai ở Nhật thì đều biết, tỉ lệ phụ nữ độc thân, làm bà mẹ đơn thân là vô cùng cao.
Chủ đề phụ nữ, bình đẳng này luôn mang nhiều yếu tố nhạy cảm và tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng Nhật Bản là đất nước chậm tiến về bình đẳng giới, thua xa Việt Nam. Mà đây là mới nói về 2 giới nam nữ thôi đó, còn về giới khác thì chắc đa số các quốc gia đều chậm tiến. 🙂