Press "Enter" to skip to content

Tranh cãi về lòng tự hào dân tộc?

Last updated on Tháng 9 15, 2023

Loading

Chủ đề “lòng tự tôn dân tộc” hay khiến người Việt khẩu chiến trên mạng, và ai cũng cố gắng hướng dư luận phải thế này, nên thế kia, mình cũng muốn đưa ra một ý kiến khác có được không ạ?

Theo quan điểm của người Nhật, mà mình cũng đồng tình, lòng tự tôn dân tộc là cái gì đó mình tự cảm thấy, chứ không phải cái gì nên hay không nên, cần phải cố gắng đạt được cả. Nó giống như lòng yêu nước, yêu gia đình, hay là yêu bản thân vậy thôi. Bạn cảm thấy tự hào thì xin cứ tự hào, mà không cảm thấy thì cũng chẳng có lỗi gì cả. Chỉ cần đừng mạt sát người khác về quan điểm tự hào của người đó thôi.

Bạn có biết là phần nhiều người Nhật không nghĩ là họ cần phải tự hào về nước Nhật không? Thậm chí khi chào cờ ở trường học của Nhật, nhiều giáo viên đã cố tình không đứng lên chào, không hát quốc ca không? Đó là vì họ coi đó là sự ép buộc con người vào một tư tưởng quốc gia, dân tộc cứng nhắc, cũng chính là nguồn gốc của sự phát động cuộc chiến tranh Đông Á dưới danh nghĩa Thiên Hoàng (Nhật Hoàng). Nhưng họ chỉ bị phạt vì không làm theo quy định của trường, hoặc Phòng giáo dục địa phương đó. Chẳng ai quy kết họ vào cái tội nặng nề “phản quốc” “phản động” 😉 cả. Nhưng tôi chắc là họ cũng như nhiều người Nhật khác cảm thấy vui mừng và phất cờ Nhật khi vận động viên của họ thắng trong các kỳ thi thể thao.

Việt Nam là một dân tộc khá đặc biệt, có lòng yêu nước và lòng tự tôn rất cao, điều này nổi tiếng thế giới. Chính vì vậy mà những hình ảnh tốt của Việt Nam làm con người Việt Nam đặc biệt xúc động. Nhưng ngược lại thì khi có những sự việc xấu, sự xấu hổ được đẩy lên cao đỉnh điểm, đôi khi quá mức cần thiết. Khi này có 2 xu hướng, (1) là xấu hổ đến mức tự nhận ra là mình toàn tự hào theo phong trào trong khi không có gì tự hào đến thế, ít nhất theo tiêu chuẩn của thế giới văn minh gần đây: không phát minh, không thành tích thể thao cao, không phát triển văn học nghệ thuật, nhiều tệ nạn, hành vi đáng xấu hổ…; và (2) là ngược lại bực bội cáu gắt và nói dù sao tôi vẫn tự hào là người Việt Nam, ông cha ta thế này thế nọ.

Hai xu hướng trên hoàn toàn là tự nhiên cả, nó là tình cảm và lý trí của con người. Đừng ai sỉ nhục ai, hãy để cho mọi người tự do tư tưởng. Sự tự tôn chắc chắn phải là một tình cảm tự nhiên, không phải cứ nói “hãy tự tôn” là được. Ai không tự hào là mất gốc chăng? Người Nhật có mất gốc không? 🙂 Mất gốc hay không cũng chỉ là một phạm trù đạo đức tự quy định ra thôi. Giống như phá thai hay mại dâm đó, tùy quan niệm. Yêu bố mẹ hay yêu con cái cũng vậy, phải có chừng mực. Không phải bố mẹ hư hỏng mà vẫn tự hào về bố mẹ, con cái phạm tội giết người mà vẫn bảo vệ nó như người gì ở tòa án ở Việt Nam.

Ở trên nói về cảm tính “tự hào”. Bây giờ nói về hiện thực nhé. Dù rằng theo quan niệm của thế giới hiện đại là không được phân biệt đối xử dựa trên màu da, sắc tộc, tôn giáo, giới tính… nhưng con người vẫn bị chia ra làm người Nhật, người Việt Nam, người châu Phi. Đi ra đi vào các nước vẫn bị xét theo hộ chiếu. Dù là trí thức hay dân lao động nghèo, cầm hộ chiếu Việt Nam đều bị xét nét như nhau. Dù bạn làm nhiều tiền hay ít tiền ở Nhật, khi đăng ký thẻ tín dụng vẫn bị xét là người nước ngoài. Khi bạn thành đạt ở Nhật, người ta vẫn ngạc nhiên khi bạn là người Việt Nam, được nhận xét “chắc người như anh/chị ở Việt Nam hiếm lắm” hoặc “anh/chị chắc thuộc dạng エリート (elite, tinh hoa) ở Việt Nam”… Bởi vì sao, trong con mắt người Nhật và nhiều nước khác thì Việt Nam vẫn là nước kém phát triển, nhiều vấn đề. Hay là khi có vấn đề gì của người Việt ở Nhật, người ta sẽ nghi kị hoặc có thể có khó chịu với bạn, dù bàn chẳng làm gì xấu. Thái độ của chúng ta nên ra sao? Chả sao cả, hãy tiếp nhận nó thản nhiên như là sự thực của nó vậy. Cười bảo, “tôi là người bình thường thôi mà”. Hoặc, “tệ nạn nhiều thật, tôi cũng buồn lắm. Mong sao sớm kết thúc để những người tử tế như tôi yên ổn sống”. Hoặc đùa cợt, “đừng coi tôi là một giuộc đấy nhé”… Hãy thoải mái thôi, vì suy cho cùng, tệ nạn là đúng, nước Việt Nam đang yếu kém là đúng. Họ chê cũng đúng. Mà ta hơi xấu hổ cũng chẳng sai. Kể cả ta tiếp tục tự hào là người Việt Nam cũng là tự do tình cảm của ta. Bạn không muốn người nước ngoài chê cả dân tộc Việt Nam, nhưng nó cũng giống như nhiều người Việt Nam nhìn người châu Phi với nửa con mắt thôi, cũng tự nhiên cả.

Vài dòng đơn giản như vậy. Mọng mọi người hãy học và làm việc tốt. Kêu gọi cả nhà nước và chính phủ Việt Nam cũng làm việc tốt nữa, đừng tham nhũng và nên có lòng tự trọng, nghĩ về đất nước. Cũng đừng dửng dưng với cái xấu mà hãy lên án nó, dù nhẹ nhàng dù mạnh mẽ. Tất nhiên là nên chừng mực khi ở nơi công cộng.


Tham khảo:
Bài viết gốc cùng tác giả ở Facebook (22/4/2014).

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x