Press "Enter" to skip to content

Thực tập sinh Nhật Bản, xuất khẩu lao động Nhật Bản, bản chất và thực tế của nó là gì?

Last updated on Tháng Tám 28, 2022

Loading

image (C)イミダス・集英社
(C)イミダス・集英社


Mở đầu

Khi lần đầu tiên nghe thấy từ “đơn hàng” cách đây vài năm, tôi liên tưởng đến những sự mua bán hàng hóa gì đó. Không lâu sau, tôi đã hiểu ra những món hàng hóa đó là những công việc phát sinh từ nhu cầu nhân lực của các công ty vừa và nhỏ Nhật Bản, nhưng lại được mời chào bởi các công ty Nhật đại diện khác có cái tên là “nghiệp đoàn” mang đến cho các công ty môi giới Việt Nam, rồi đến lượt họ lại trải ra như những món ăn trên giấy trước mắt những con người Việt Nam đói khát công việc.

Nếu nó chỉ là nhu cầu việc tìm người, người tìm việc thì không có vấn đề gì cả. Dù có bị rêu rao là “đơn hàng” thì cũng không khác gì mấy hình thức chợ người ở các góc đường của các đô thị lớn của Việt Nam.

Nhưng chế độ thực tập sinh Nhật Bản này chính là sự tiếp cận tìm lao động một cách đạo đức giả và vi phạm nhân quyền từ phía Nhật Bản. Khi mà nó kết hợp với hệ thống xuất khẩu lao động thu phí chặt chém, dối trá, vô đạo đức từ phía Việt Nam, thì hành trình tìm việc này xấu hơn các chợ người kia nhiều.

Chúng ta hãy xem các bên tham gia chế độ việc làm này.


Chính phủ Nhật

– “Đây là cơ chế viện trợ mà Nhật Bản giúp các nước đang phát triển đào tạo kỹ thuật viên lành nghề trong 3 năm. Chúng tôi đang làm hết sức mình với tư cách một cường quốc kinh tế kĩ thuật cao, và có trách nhiệm quốc tế cao cả“.

– “Các bạn học viên (không phải là người lao động nhé!) hãy chăm chỉ học tập nắm bắt được các kỹ thuật cao của Nhật Bản rồi về giúp đất nước đang phát triển của mình. Chúng tôi kì vọng vào sự nhiệt tình, hiếu học, và lòng yêu nước của các bạn.

Thực tập sinh sau khi đi Nhật 1 năm thì phải thi chuyển giai đoạn, có thể không vượt qua được thì phải về Việt Nam, mà dù nếu vượt qua thì sau 3 năm cũng sẽ phải về Việt Nam. Về và rất khó được quay lại Nhật với các hình thức visa phổ biến khác: du học, kĩ thuật/nhân văn/quốc tế. Lý do là vì trách nhiệm của các cựu thực tập sinh là phải ở lại Việt Nam để “cống hiến cho đất nước”.


Chính phủ Việt Nam

– “Tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, đào tạo nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật Bản qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước.”

Nghe hay không?

– “Thực ra học được gì hay không là cho các bạn thôi chứ không phải cho Việt Nam đâu, chúng tôi cũng chẳng kì vọng gì vào kiến thức các bạn thu được (nếu có) đâu, vì nói thực là ở Việt Nam này hầu như có nơi nào dùng được trình độ đó đâu? Máy móc, công việc còn chẳng có nữa là tận dụng kiến thức, xin lỗi nhé. Điều chúng tôi muốn là các bạn đi được Nhật hay bất cứ nước nào càng tốt, đi Nhật rồi thì có thể đi nơi khác nữa, để tự lo cho bản thân nhé, chứ chúng tôi không thể nào tìm ra đủ công ăn việc làm cho lao động Việt đâu. Chúng tôi sẽ tìm đến cả Lào, Campuchia, châu Phi nữa, có ai quan tâm không?


Thực tế đăng ký tìm việc phía Việt Nam

Người lao động từ lúc muốn đi lao động đã phải đóng trước những khoản tiền lớn để được đăng ký, cho một công việc mà mình còn chưa biết là như thế nào, có thể làm được không, vất vả ra sao, tiền lương ra sao. Nếu huỷ không đi nữa hoặc muốn chuyển đi công ty khác, đáng lẽ được trả lại hết hoặc phần lớn, thì lại mất hết những mấy chục triệu. Cái này gọi là đếm cua trong lỗ. Quá đắt giá cho một sự đăng ký rủi ro.

Hệ thống chân rết môi giới (tuyển dụng, cò mồi) rộng khắp, mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ giữa công ty xuất khẩu lao động và môi giới, chưa kể các phí bôi trơn tranh giành khách Nhật, biển thủ các khoản phí phía Nhật trợ giúp người lao động, sự biến chất của các nghiệp đoàn Nhật, nhu cầu đi Nhật cao của thị trường, đã khiến cho chi phí bị đẩy lên vô cùng cao. Và tất cả đều đổ lên chi phí của người lao động. Hãy xem các công ty xuất khẩu lao động và môi giới giàu có đến mức nào là có thể hiểu được sự chặt chém này.

Vậy chớ tôi không muốn đi qua môi giới thì sao?
Bước vào cửa công ty xklđ là sẽ gặp môi giới rồi, không có cửa khác đâu. Chi phí anh phải trả gồm có phí cho môi giới, phí cho công ty Việt, phí ABC tùy theo chúng tôi đặt tên là gì.

Các nghiệp đoàn Nhật không thu một đồng nào của người lao động, thậm chí họ còn phải trả tiền cho công ty Việt Nam, hỗ trợ người lao động một phần, nhưng nhiều công ty này đã bị các công ty Việt Nam làm cho hư, khiến nhiều nghiệp đoàn đồng lòng bóc lột người lao động thay vì chịu thiệt chi phí, điều mà bị cấm ở chính nước Nhật.

Thay vì đơn giản là đi làm việc, thì người lao động phải bỏ một thời gian rất dài ở nhà không đi làm (vô công rồi nghề), học tiếng Nhật vớ vẩn vô tác dụng, học những câu chào phép tắc rập khuôn máy móc, học cung cách phục tùng một cách cường điệu đáng thương. Họ phải chờ có “đơn hàng”, chờ bị chuyển đơn hàng qua cho công ty khác (vì công ty bị tước giấy phép, không có giấy phép, công ty ma…). Đến lúc “may mắn” được phỏng vấn, được đậu phỏng vấn, thì cũng lại phải đợi dài cổ chờ được cấp visa. Cả một quy trình dài tốn thời gian, tốn tiền bạc, tốn công sức, rập rình may rủi.

– “Vì đây là đi học nâng cao tay nghề, tức là anh làm xây dựng thì đi học kĩ năng xây dựng, chị làm nông nghiệp thì đi học nông nghiệp nhé.
Ơ, nhưng tôi học đại học kế toán mà?
Không có vấn đề gì, chị sẽ trở thành nông dân từ vài năm nay. Còn anh thì sẽ thành công nhân cơ khí lành nghề nhé, nhớ chưa?

Như là gián điệp biệt động Sài Gòn ấy nhỉ?

Vậy là trong hồ sơ của anh chị sẽ biến mất quá trình học đại học mất bao nhiêu tiền của công sức của cả bản thân và gia đình, kiến thức của trở thành vô giá trị bởi 1 tờ giấy giả. Điều đó là cần thiết để hợp lý hoá hồ sơ, bởi vì anh chị phải có thời gian làm công nhân nông dân như vậy mới đủ tiêu chuẩn đi học nâng cao tay nghề. Rất hợp lý và rất Việt Nam nhỉ. Mỹ còn lâu mới thắng nổi Việt Nam vì tinh thần sẵn sàng cưa bom này.

Vứt bỏ lý lịch học đại học này trong hồ sơ nộp cho Cục Xuất Nhập Cảnh Nhật chính là điều chí tử khiến cho thực tập sinh vô vọng trong việc quay lại Nhật làm việc trong các công việc bình thường sau này. Nhưng thực chất thì dù có bằng đại học trong hồ sơ thì thực tập sinh cũng đã khó quay lại Nhật rồi, như đã nói ở trên.

Tại sao môi trường xuất khẩu lao động này xấu vậy? Vì nó quá nóng do ở Việt Nam tỉ lệ thất nghiệp cao, ở Nhật tỉ lệ thiếu nhân công cũng rất cao. Các công ty Việt Nam cạnh tranh khốc liệt, cả cáo và gà đều rất nhiều, kiếm được tiền môi giới dễ quá dẫn đến tham, đến sự tận dụng hết mức môi giới (cò mồi). Gà thì vẫn gà, nên cáo ngày càng cáo. Ở trong hệ thống này, con người ta càng ngày càng trượt vào lợi nhuận khổng lồ khiến cho đạo đức kinh doanh ngày càng vô nghĩa. Việt Nam không thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp khiến cho chính bản thân người lao động tự đẩy cho guồng máy bóc lột này chạy nhanh hơn.


Thực tế việc làm và cuộc sống ở Nhật

Học tập là thứ yếu, thực chất là lao động chân tay. Bình thường nếu học tập thì là học cho biết thôi, nhưng thực tế sẽ là lao động hết mình, thậm chí là lực lượng lao động chủ yếu, lao động duy nhất để công ty tồn tại.

Các công ty sử dụng chế độ thực tập sinh phần lớn là vừa và nhỏ, thậm chí cực kỳ nhỏ. Rất nhiều công ty kinh doanh không tốt, doanh số không cao, khó kiếm lao động người Nhật, không tuân thủ luật lệ lao động của Nhật. Các hình thức giảm hoặc quỵt lương của lao động, lao động thời vụ, lao động ngoài giờ quá sức… là vô cùng nhiều. Lương nhận về đã ở mức tối thiểu trong hệ thống lương của Nhật mà nhiều nơi còn cố tình trả lương dưới mức này, rồi bị lạm trừ quá đáng bởi các khoản chi phí ăn uống nhà cửa mà không tự mình quyết định được số tiền (còn thuế và bảo hiểm là tính theo luật rồi, không tự do bị trừ quá được).

Thực tập sinh không được chuyển việc tự do mà phải được nghiệp đoàn đồng ý sắp xếp, không được làm thêm các công việc khác, không được tự do tìm nơi ở, thậm chí không được lựa chọn thực đơn ăn uống. Họ không thể muốn đi học thì chuyển visa đi học, không thể vì không hợp hoặc chán công ty này thì xin chuyển sang các công ty khác được. Họ sẽ phải làm việc trong duy nhất 1 công ty đã chọn ban đầu, phải ở nhà hoặc ký túc xá do công ty chuẩn bị cho, ở cùng với ai và điều kiện sống như thế nào không được quyết định, ăn uống cũng ở công ty hoặc ở ký túc xá. Thậm chí nhiều nơi còn cấm thực tập sinh đi ra ngoài, cấm sở hữu điện thoại di động.

Giả sử có yêu đương hoặc kết hôn với người Nhật, người Việt đang ở Nhật cũng không thể được cư trú tiếp tục ở Nhật, mà “cứ phải về nước đã, sau đó một thời gian mới được quay lại”. Đấy là còn vì lý do nhân đạo cơ đấy, chứ không có người bảo lãnh này thì đừng có mong quay lại.

Những quyền cơ bản vốn được đảm bảo cho người Nhật như trên: tự do cư trú, tự do việc làm, tự do hôn nhân… đều hoàn toàn bị dẹp sang một bên đối với thực tập sinh nước ngoài.

Rất phổ biến các trường hợp thực tập sinh bị là nạn nhân của môi trường lao động bạo lực, quấy rối tình dục, ép buộc làm việc, không cho nghỉ phép, không cho đi du lịch xa, bị phân biệt đối xử, bắt nạt dọa bắt về Việt Nam… Nói chung là lan tràn các vi phạm về luật lệ của chính nước Nhật. Sở dĩ như vậy bởi vì các công ty tiếp nhận thực tập sinh phần lớn là các công ty vớ vẩn, với những người lao động Nhật đồng nghiệp vốn là những người thấp học, ít hiểu biết, không quen với các luật lệ tiêu chuẩn của xã hội hiện đại, ít bị các cơ quan chức năng nhòm ngó quản lý.

Thực tập sinh phải chịu sự quản lý và bảo vệ một cách hình thức của công ty tên là nghiệp đoàn kia, nhưng thực tế nghiệp đoàn nhận chi phí quản lý từ công ty sử dụng lao động nên vì ưu tiên chiều khách hàng của mình mà nhiều nghiệp đoàn thường bỏ mặc thực tập sinh.

Ở Nhật có 1 tổ chức nhà nước tên là OTIT, có chức năng quản lý và bảo vệ thực tập sinh, giám sát các công ty và nghiệp đoàn có vấn đề. Tuy có quyền lực mạnh hơn tổ chức trước đó là JITCO, nhưng OTIT cũng như JITCO đều là khá quan liêu, làm việc chưa hiệu quả vì nhân lực có hạn, mà cái chính là số vụ vi phạm nhân quyền vô cùng nhiều. Tuy vậy người lao động vẫn phải sử dụng OTIT và các tổ chức nhân quyền, luật sư, đoàn thể phi lợi nhuận (NPO) để bảo vệ mình.

Nguy cơ rất cao là người lao động buộc phải tự mình trốn ra ngoài để thoát khỏi những vấn đề nghiêm trọng nói trên ở nơi làm việc. Họ phải chọn con đường tồn tại bất hợp pháp nguy hiểm và rủi ro, vất vả, vất vưởng. Những người này nếu bị bắt thì sẽ bị trục xuất và cấm nhập cảnh vào Nhật 5 năm (nếu tự thú thì bị cấm 1 năm). Người Nhật họ không hiểu vấn đề, chỉ than phiền về việc bỏ trốn của thực tập sinh, nhưng nếu họ không giải quyết tận gốc chế độ thực tập sinh này thì chắc chắn không thể ngăn được sự bỏ trốn.


Vấn đề của bản thân người lao động đi làm thực tập sinh

Họ không biết tiếng Nhật, không được cho học tiếng Nhật tử tế. Kanji không được học thì gọi gì là học tiếng Nhật? Nhưng nếu cho học và bắt thi trong kì thi chuyển giai đoạn 1 năm thì chắc sẽ bỏ trốn gần hết mất. 🙂

Cũng vì không giỏi tiếng Nhật nên phát sinh ra sự bất tiện và sự khó chịu lẫn nhau với những người Nhật làm cùng, dễ bị phân biệt đối xử, bắt nạt, không được cho đối thoại tử tế, xảy ra nhiều vấn đề về giao tiếp.

Nhiều người có vấn đề về năng lực sống và nhận thức sống, ý thức tồi, cũng là một phiên bản lỗi như những kẻ người Nhật vớ vẩn kia. Vì sao? Vì nhiều người trong số họ học kém, không có học, có vấn đề ở ngay trong xã hội Việt Nam, nhưng họ vẫn được phù phép thành các kĩ thuật viên, công nhân nông dân ý thức tốt để sang Nhật.

Họ không chịu tìm hiểu các hình thức lao động khác, các cơ hội kiếm tiền khác, không so sánh các công ty môi giới với nhau, chỉ nhìn vào lương ở Nhật (vẽ) mà không so với chi phí. Họ không hiểu chi phí là gồm những gì. Họ không tính đến các khoản tiền sẽ bị trừ đi từ lương. Họ đánh cược vào “tăng ca” dù biết rằng tăng ca là một yếu tố không ai hứa hẹn được và chỉ là may rủi, cũng chẳng có trong hợp đồng.


Một số thay đổi mới gần đây ở Nhật

Hai Chính phủ hứa sẽ giám sát chặt chẽ hơn các công ty ở nước mình, thông báo cho nhau (chặt chẽ hơn chút về mặt hình thức).

Thực tập sinh được làm việc đến 5 năm thay vì 3 năm trong một số ngành nghề. Tuy nhiên vẫn phải vượt qua sát hạch, phải về nước sau 3 năm rồi mới quay lại thêm 2 năm nữa, lại thêm tiền, và lại phải chọn công ty tốt khác nếu như công ty cũ của mình không đủ tốt để được nhận.

Chính phủ Nhật đang định vẽ ra 1 tương lai cho các thực tập sinh 5 năm nói trên, hứa là nếu chịu đựng thêm 5 năm nữa (tổng cộng 10 năm!) bị hạn chế tự do công việc và cuộc sống. Cuối 10 năm, nếu muốn trở thành thân tự do hơn, họ phải thi đỗ 1 kì hạch sách (bởi vì những người này chỉ có thể chứng minh năng lực của mình qua kì thi này chứ không phải là bằng ĐH hay bất cứ cái gì khác). Khi đó, họ sẽ được giải phóng và cho tự do tìm việc bên ngoài (nhưng không có bằng ĐH thì tìm việc gì đây, ngoài những công việc tương tự với kĩ năng đã làm trong 10 năm này?). Tuy vậy về lý thuyết những người đó sẽ có khả năng xin được ở Nhật lâu dài, thậm chí với gia đình nếu kết hôn. Sống ở mức sống nào lại là việc khác.

Rõ ràng là sự đạo đức giả của chính phủ Nhật, cái gì mà về nước cống hiến? “Tôi cho anh cơ hội làm việc cho chúng tôi nhưng sẽ tạo điều kiện rất khó để định cư. Trước tiên môi trường làm việc và môi trường sống sẽ bị hạn chế nhiều, thiếu hấp dẫn, nhưng có thể ở lại Nhật lâu dài, biết đâu đấy”.

Tương lai này có hấp dẫn không?


Vậy không có gì tốt sao?

– Vẫn có những công ty Việt Nam tử tế hơn những công ty khác: rẻ hơn, tìm công việc tốt cho người lao động hơn, những cá nhân tốt trong cả guồng máy xuất khẩu lao động Việt Nam này, nhưng hiếm lắm. Ai biết các công ty đó không thì comment vào dưới đây xem. Mặc dù vậy, từ con mắt cá nhân thì để đi tìm việc mà bỏ ra hơn 50 triệu đồng đã là crazy rồi.

– Vẫn có những công ty Nhật tốt, nghiệp đoàn tử tế. Tỷ lệ này cao hơn tỉ lệ các công ty Việt Nam tốt, chắc thế (cảm nhận cá nhân).

– Vẫn có những con đường đi Nhật khác ngoài đi thực tập sinh.

– Vẫn có những con đường lao động xuất khẩu khác ngoài Nhật Bản.

– Vẫn có những con đường lập nghiệp hoặc kiếm tiền khác ngoài xuất khẩu lao động.

– Nếu chấp nhận thực tế thực tập sinh này, thực ra vẫn có cơ hội cao để tự vươn lên trong cuộc sống, nhưng tất nhiên trước mắt phải trả cái giá cao đã.

– Gần đây có 1 hình thức đi lao động khác, ở Việt Nam gọi là “đi kĩ sư” (trá hình vì thực chất công việc là như thực tập sinh hoặc đỡ hơn chút ở mức kĩ thuật viên), ít ra hình thức này còn đỡ vi phạm nhân quyền và ít rủi ro hơn, nhưng những vấn đề ở phía Việt Nam cũng tương tự nếu như đầu vào của người lao động là tương tự (không có tiếng Nhật, không có trình độ thực chất), hoặc nơi tiếp nhận cũng là các công ty lởm khởm.

Con người ta chỉ chọn những gì mà họ thấy tốt nhất cho họ, nên mặc dù có nhiều vấn đề như thế này, đi xuất khẩu lao động Nhật có lẽ vẫn là lựa chọn tốt cho nhiều người. Nói một cách khác, người lao động VN hầu như không có lựa chọn nào tốt cả.
Đi lao động Nhật, đi Nhật vẫn tốt về lâu dài hoặc nếu đạt được điều gì đó ngoài vài đồng lương kia: trải nghiệm sống, quan hệ mới, hiểu biết mới, tầm nhìn mới, tiếng Nhật, bằng cấp gì đó…
Bài viết này không nói đừng đi xuất khẩu lao động, mà hãy cân nhắc cái gì tốt cho mình, có thể xấu như thế nào, nên cố gắng tìm hiểu ra sao. Nói chung là hãy suy nghĩ.
Đồng thời, bài viết này cũng muốn đánh động áp lực dư luận cần phải ngăn chặn những vấn đề nghiêm trọng của hệ thống đen Việt Nhật này.


Câu hỏi

– Bạn có gì phản bác lại những điều nhận định trên?

– Có nên đi xuất khẩu lao động Nhật không?

– Có cách nào cải thiện con đường đi xuất khẩu lao động từ phía Việt Nam không?

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

14 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
trackback
Tháng Sáu 26, 2022 10:36 chiều

[…] Dù không phải lý do Covid thì cũng ngày càng nhiều người trốn ra ngoài vì các lý do bất cập của hệ thống về phía Nhật. Thực tế, họ chưa biết hoặc có thể biết mà chưa đưa lên phóng sự này, đó là rất nhiều bất cập cả phía Việt Nam nữa. Phóng sự cho thấy Covid khiến cho ngay cả những người không có ý định trốn ra ngoài cũng trở thành nạn nhân của hệ thống lỏng lẻo bất cập. Tham khảo: Thực tập sinh Nhật Bản, xuất khẩu lao động Nhật Bản, bản chất… Read more »

trackback
Tháng Bảy 2, 2021 8:47 chiều

[…] Thực tập sinh Nhật Bản, xuất khẩu lao động Nhật Bản, bản chất và thực tế… […]

Tiêu Nhật Tân
Tiêu Nhật Tân
Tháng Mười 28, 2019 11:13 chiều

Rất cảm ơn về bài viết của anh Mai. Bản thân tôi đang làm xây dựng tại nhật, thời gian từ 6h sáng đến 7h tối. Tính cả thời gian di chuyển. Công việc rất nặng nhọc, lương thì thấp, không có làm thêm giờ, chủ yếu khuân vác, kỹ thuật cao chắc là cách vác sắt không đau vai, không có thời gian học, thậm chí khi ngồi cùng trên xe cũng không cho dùng điện thoại, mà học bằng app phải dùng đt mới học được, vậy hỏi mọi người làm sao có thời gian học?

trackback
Thực tập sinh Nhật Bản, xuất khẩu lao động Nhật Bản, bản chất và thực tế của nó là gì? – Tin Tức Nhật
Tháng Năm 10, 2019 7:05 chiều

[…] Nguồn: https://maipb.blog/2018/thuc-tap-sinh-nhat-ban-xuat-khau-lao-dong-nhat-ban-ban-chat-va-thuc-te-cua-no… […]

trackback
Tháng Tư 21, 2019 9:27 chiều

[…] Thực tập sinh Nhật Bản, xuất khẩu lao động Nhật Bản, bản chất và thực tế… […]

Lê Trọng Nghĩa
Lê Trọng Nghĩa
Tháng Năm 28, 2018 12:45 sáng

Cho em hỏi hình vẽ ở đầu bài là của anh ạ?
Có có viết bài này bằng tiếng Nhật không ạ? Nếu được cho em xin với.

Muteki
Muteki
Tháng Năm 13, 2018 11:46 chiều

Cảm ơn anh vì bài viết này rất nhiều. Em đang là giáo viên dạy tiếng cho tu nghiệp sinh. Qua bài này em càng cảm thấy thương hơn cho hoàn cảnh của các em.

PB Mai
PB Mai
Reply to  Muteki
Tháng Mười Hai 31, 2018 3:31 chiều

Cảm ơn em đã comment. Nhiều hoàn cảnh đáng thương, thậm chí nguy hiểm. Nhưng họ thực ra có ít lựa chọn tốt hơn. Em có thể cho học viên đọc để họ nhận thức rõ hơn trước khi quyết định đi Nhật.

Phan Trong Bien
Phan Trong Bien
Tháng Năm 10, 2018 12:05 chiều

Những nhận định của Anh ở trên, em hoàn toàn đồng ý. E cũng trải qua 1 lần những điều anh nói ở trên. Tuy nhiên, mọi thứ trên đời này muốn hướng tới điều gì đó gọi là thành công trong tương lai đều có rủi ro, quan trọng là cách chúng ta đạt được thành công có lớn không để rủi ro trở nên nhỏ bé đi. Đại đa số những người đi xuất khẩu lao động thường là những người không có công việc ổn định, hoặc không biết làm gì ở VN, nên việc phải bỏ… Read more »

xvx
xvx
Tháng Năm 10, 2018 11:58 sáng

lần đầu tiên thấy a nhắc đến sự giả dối của chính sách này .
giả dối cả.

14
0
Would love your thoughts, please comment.x