(Viết lần đầu 24/6/2017, cập nhật 3/1/2025)
Sang Nhật, có lẽ nên bớt bám vào yếu tố Việt đi. Các yếu tố dưới đây dựa vào kinh nghiệm quan sát xung quanh, cho người từ mới sang Nhật đến đã ở Nhật 10 năm trở lên.
– Học tiếng Nhật mà xung quanh toàn người Việt thì không có học được đâu.
– Khi đã đến trình độ tương đương N3 hoặc sau 6 tháng học tiếng Nhật thì nên tra từ điển Nhật Nhật, hoặc Nhật Anh chuẩn, khả năng chính xác sẽ luôn 100%. Phần lớn từ điển (app) Nhật Việt chỉ là chuyển dịch hoặc dịch máy mà thôi, chưa có từ điển nào được biên soạn bởi các nhà ngôn ngữ học có chuyên môn nên chưa thể hy vọng độ chính xác cao.
– Không nên dựa vào các trang “tin tức” Nhật bằng tiếng Việt, sự lựa chọn tin tức của các trang đó là rất chủ quan, sự chính xác chuyển dịch là không cao (phụ thuộc không chỉ vào tiếng Nhật mà vào trình độ nhận thức xã hội), chưa kể là đôi khi còn có những bình luận trời ơi đất hỡi.
– Nếu không tập ăn món Nhật mà cứ chăm chăm món Việt thì vì có thể khó khoẻ mạnh do ăn uống thiếu chất, đồ Việt cũng hơi khó mua ở siêu thị Nhật. Cái ăn là quan trọng, mà cứ như thế này thì 1 năm cũng là cực hình, đừng nói là lâu dài ở Nhật. Không chỉ vậy, thực ra đồ ăn Nhật cũng rất ngon và dễ ăn với nhiều người Việt, nên chịu khó ăn món mới, biết đâu sẽ mê nền ẩm thực tầm cỡ thế giới này.
– Chỉ mua bán với người Việt thì khả năng bị lừa, bị chặt chém, hàng hoá không bảo đảm là khá cao. Nên chịu khó tìm hiểu để mua bán trong các xã hội Nhật để tránh đâm đầu vào “anh chị nào” để rồi phải kêu “thằng ấy con kia”.
– Sống ở Nhật mà toàn xem tin tức VN vốn khá nhiều tin tức xấu hoặc tin của thế giới trên mây, không hề quan tâm đọc tin ở Nhật thì nó sẽ giống như đồng sàng dị mộng vậy, sống như cây như cỏ, luôn luôn nằm ngoài xã hội Nhật, cảm giác bị ra lề là cực kỳ cao.
– Không tìm hiểu xã hội Nhật, hoà mình vào đó, enjoy và làm chủ nó, thì dù có đi làm ở Nhật, có gia đình ở Nhật, có con cái học ở Nhật… cũng sẽ thấy mình không thuộc về xã hội này, luôn bị day dứt bởi cảm giác nên ở đâu, về VN thì không dám, mà ở Nhật cũng không yên tâm. Tâm không yên, lòng không bình, thân sẽ không hạnh phúc thực sự. Kết cục, mãi không biết mình nên ở đâu và làm gì. Sau 20, 30 năm, có được gì trong tay khi mà bố mẹ cũng mất đi, con cái cũng trưởng thành và ra đi?
Tuỳ vào tâm thế của mình, mà 20 tuổi cũng có thể là chủ đời mình, hoặc 30, 40 tuổi vẫn còn mông lung đấy. Người Nhật cũng vây thôi, rất nhiều người đang bơ vơ với những công việc arubaito đấy, quan sát xung quanh thì biết.
Tham khảo: bài viết gốc ở Facebook.