Press "Enter" to skip to content

Sống chung với động đất ở Nhật Bản

Last updated on Tháng chín 15, 2023

Loading

Nhật Bản là đất nước có nhiều thiên tai, trong đó thiên tai uy hiếp lớn nhất là động đất. Riêng nước Nhật gánh chịu 1/5 số động đất lớn trên 6 độ Richter của toàn thế giới. Và trong vòng 30 năm tới, xác suất xảy ra động đất lớn ở một địa điểm nào đó trên nước Nhật là từ 5% đến 99%. Đi kèm với động đất là sóng thần (tsunami). Bởi vậy, một khi đã quyết định sang Nhật sống dài hạn (từ 3 tháng trở lên, được cấp thẻ người nước ngoài), cần có một số kiến thức cơ bản đơn giản về động đất nói chung, và phương thức phòng tránh động đất.

Xác suất xảy ra động đát lớn trong vòng 30 tới, bản năm 2017

Khi xảy ra động đất

Bình tĩnh, không nên và không cần phải hoảng loạn.
Bạn sẽ thấy, những người Nhật xung quanh rất điềm tĩnh, khiến bạn mau chóng được trấn an.

Trước tiên cần chui xuống gầm bàn để tránh đồ đạc rơi lên đầu. Cố gắng mở cửa phòng, cửa buồng để cửa khỏi bị kẹt cứng. Tắt bếp nếu đang nấu nướng.

Nếu đang ở những ngôi nhà cũ (xây dựng trước năm 1981, 昭和56年), cấu tạo có vẻ không chắc (tầng 1 chỉ là nhà cột để xe oto, hình dạng cấu trúc phức tạp không vuông vắn…), mái ngói nặng (nhà ở thôn quê), thì nên ra ngoài đường lánh nạn.
Tham khảo: các ngôi nhà không chắc chắn (tiếng Nhật).
Lưu ý, không phải cứ nhà gỗ là kém chắc chắn. 90% nhà ở Nhật là được xây bằng gỗ, và tất cả nhà hiện đại đều theo các tiêu chuẩn xây dựng cao.

Nước Nhật có đủ kinh nghiệm, nhân lực và vật lực để bảo vệ cho người dân và người nước ngoài. Thực tế cho thấy số thương vong và ảnh hưởng thiệt hại về con người ở Nhật Bản luôn luôn rất nhỏ so với thế giới.

Phương tiện liên lạc

Điện thoại có thể bị tắc nghẽn tạm thời, nhưng internet/4G hầu như không bị ảnh hưởng. Vì vậy Facebook, Line, Twitter là các phương tiện liên lạc hữu hiệu.

Thu thập thông tin từ internet hoặc tivi mạng (Youtube, tivi mạng)

Thông tin luôn đến kịp thời và rất nhanh, tức thời sau khi động đất vài giây cho đến vài phút. Nhưng lưu ý rằng động đất không thể dự báo trước.

Website và app thông tin cấp báo động đất và thiên tai nói chung

Yahoo Japan 地震情報 天気・災害:
Thông báo và báo động tức thời các thông tin thiên tai (tiếng Nhật)

Web: 地震情報 Yahoo! 天気・災害
iOS app
Android app

Abema TV:
tivi mạng, miễn phí (tiếng Nhật)

Web: Abema TV
iOS app
Android app

東京防災:
Thông tin phòng chống thiên tai, do thành phố Tokyo soạn thảo

Web 東京防災 (tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Việt dịch tự động)

iOS app

Android app

Trước khi app này ra đời, thành phố Tokyo đã tặng cư dân Tokyo miễn phí sách phòng chống động đất với cùng nội dung. Sách rất hữu ích và dễ hiểu nên đã được người dân cả nước Nhật đón nhận nhiệt liệt.

全国避難所ガイド (tiếng Nhật)
Hướng dẫn tìm kiếm các địa điểm lánh nạn trên toàn nước Nhật. Có app cho iOS và Android.

Web: 防災情報「全国避難所ガイド」

iOS app

Android app

Những thông tin cần nắm bắt

– Xảy ra ở đâu?

Dù bản thân không có vấn đề thì cũng phải biết địa lý của Nhật để mà hiểu địa điểm đó cách xa nơi mình ở như thế nào, vì bạn bè, gia đình mình có thể ở đó. Thông tin động đất của Nhật bao giờ cũng sẽ có bản đồ chi tiết về chấn độ nên hãy tham khảo thông tin đó. Các thông tin này được cập nhật rất nhanh trên TV và Internet, chỉ sau vài chục giây.

– Chấn độ (震度 shindo) là bao nhiêu?

Cùng một trận động đất, chấn độ tại các địa điểm là khác nhau, bởi vị chấn độ là độ rung lắc.
Chấn độ 0 đến 3 là nhẹ, 4 là hơi mạnh, các mức 5-, 5+, 6-, 6+, 7 là có vấn đề nghiêm trọng.

Tham khảo: Chấn độ (震度 shindo) để biết cụ thể về độ rung và ảnh hưởng thực tế.

– Có sóng thần (津波 tsunami) không?

Nếu có và nơi mình đang ở gần biển thì phải cẩn thận, chạy lên chỗ cao.

Cần cân nhắc đi lánh nạn nếu được thông báo trên loa hoặc tivi

Nếu địa phương nơi mình đang sống hoặc làm việc có loa thông báo 避難してください (Hinan-shite-kudasai, hãy đi lánh nạn) thì phải gắng chạy ra khỏi nhà, đến một công viên, trường học ở gần nơi mình ở nhất.

Loa báo động ở địa phương cũng sẽ thông báo có tsunami hay không, nếu có thông báo 高台に避難してください (Koudai-ni-hinan-shitekudasai, “hãy lánh nạn đến nơi cao”) thì không được lánh nạn chỉ ở trường học, công viên, mà phải theo chỉ thị đó. Các đồi, núi, tòa nhà cao tầng là các nơi cần leo lên.

Ai không ở các khu vực bị cảnh báo, chú ý, thì không nên lánh nạn hay là mất bình tĩnh, làm loạn lên. Cập nhật tin tức xem cảnh báo và chú ý đó đã được gỡ bỏ chưa. Nếu không thì chỉ gây phiền toái và mất công vô ích mà thôi. Ví dụ nếu có động đất nhẹ nhưng chấn độ nhỏ và không có cảnh báo gì cả thì cứ bình tĩnh.

Các nguy cơ thương vong

Các nguy cơ  thương vong chủ yếu là đồ đạc rơi đổ, cháy nổ, sóng thần.

Có thể đối với thế giới và người Việt Nam nói chung, hình ảnh đường cao tốc Kobe đổ sụp trong trận động đất lớn năm 1995 vẫn còn hằn sâu trong trí óc. Tuy nhiên, 23 năm đã trôi qua, tiêu chuẩn xây dựng đô thị của Nhật đã được nâng cao lên rất nhiều, nên khả năng nhà sập, cầu cống hỏng không còn ở mức như vậy.

Trong trận động đất lớn nhất gần đây là trận đại động đất Đông Nhật Bản năm 2011, 90% nạn nhân tử vong là do sóng thần. Sở dĩ như vậy là vì khi đó, nước Nhật không lường hết được mức độ lớn đến như vậy của sóng thần, lớn nhất trong lịch sử, ngoài dự liệu của cả các nhà khoa học, của Chính phủ. Rất nhiều nạn nhân đã tử vong trong khi đang yên tâm trú ẩn ở các nơi lánh nạn, ví dụ như các nhà thể thao của trường học. Nhà ở các thành phố lớn thì nguy cơ cháy là cao hơn cả, nhất là các nhà gỗ (アパート).

Nếu ở ngoài đường, nguy cơ thương vong lớn đến từ tường gạch ghép (ブロック塀), bởi vì những bức tường này vẫn còn nhiều ở các con đường nhỏ, ở thôn quê, ở những địa phương ít có động đất. 2 trận động đất lớn gần đây là Kumamoto năm 2016 và Osaka 2018 đều có nạn nhân tử vong vì các bức tường này. Có lẽ trong tương lai gần, các bức tường gạch này sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn.

Tường rào gạch ghép có khả năng đổ gây nguy hiểm chết người.

60% các vụ cháy nổ là do 通電火災 Tsuden-kasai, đó là sự cháy nổ đồ điện khi mạng lưới điện được phục hồi sau mất điện. Hiện nay nhiều bảng điện hiện đại có chức năng cảm biến động đất để tự động tắt (感震ブレーカー), nhưng nếu nhà không có bảng điện này, mọi người nhớ cắt cầu dao điện ngay khi mất điện.

Đồ đạc rơi vỡ, cửa kính vỡ cũng là các nguyên nhân gây thương vong thường xuyên.

Những ảnh hưởng về cơ sở hạ tầng, nhất là ở đô thị lớn (Tokyo, Osaka)

Các ảnh hưởng phiền toái ở đô thị là tàu dừng không thể về nhà, và cơ sở hạ tầng đô thị: nước, gas, điện, thực phẩm bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng lớn đầu tiên là hệ thống giao thông. Ở các đô thị lớn, giao thông chủ yếu là đường sắt nội đô. Thực tế không phải ảnh hưởng như phim ảnh: trật ray, cháy nổ, hoảng loạn… gì cả, bởi vì hệ thống đường sắt của Nhật sẽ dừng ngay lập tức khi có động đất, nhờ vào hệ thống đo đạc tinh vi quy mô quốc gia. Ảnh hưởng thực tế là các chuyến tàu dừng không chạy, hoặc chạy chậm, hoặc giảm tuyến, cho đến khi nào được xác nhận là an toàn. Vì vậy, mọi người không thể có phương tiện để trở về nhà của mình, trở thành 帰宅困難者 (kitaku-konnansha, những người khó trở về nhà), một vấn đề lớn.

Tham khảo: Trong trận đại động đất Đông Nhật Bản 2011, dù không có dư chấn nhưng các tuyến tàu JR đã quyết định dừng cả đêm. Đối lập với JR, các tuyến tàu metro và các hãng tàu khác vẫn chạy nhỏ giọt suốt đêm. Sau lần đó, JR đã bị chỉ trích nhiều nên họ đã quyết định cũng sẽ hạn chế thời gian dừng tàu sau này.

Ngoài đường sắt, các tuyến xe bus cũng như taxi trở nên rất khó bắt, đường bị kẹt cứng khó di chuyển, nên kết cục là mọi người cũng không có phương tiện công cộng đi lại. Nếu không có phương tiện công cộng đi lại, nên đi bộ về nhà nếu như thời gian đi bộ dưới 3 giờ đồng hồ, như rất nhiều người Nhật khác. Nếu nhà xa quá, nên chờ ở công ty, nơi làm việc của mình, hoặc ngồi ngay tại ga, vào khách sạn, trú ở các tiệm cafe hoặc internet.

Nên cập nhật thông tin trên các trang web của công ty đường sắt đó, hoặc theo dõi Twitter của họ. Cách tìm là vào ô tìm kiếm của Twitter, nhập tên hãng tàu hoặc tuyến tàu, ví dụ: 山手線, 銀座線, 阪急電鉄, …

Sau khi về nhà, khả năng mất điện, mất gas, mất nước là có thể xảy ra, nên nếu có thể hãy trữ pin, mua máy xạc điện quay tay hoặc sạc năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, không nên lưu trữ quá nhiều thực phẩm, chỉ cần lượng cho tối đa là 3 ngày.

Chấn độ (震度 shindo)


Tham khảo: bài viết gốc ở Facebook (có chỉnh sửa) cùng tác giả

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

2 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
trackback
Tháng mười một 25, 2022 4:27 chiều

[…] khó khăn trong cuộc sống ở Nhật:*Khi cần liên lạc khẩn cấp tại Nhật BảnChú ý khi có động đất, sóng thần*Khi bị mất giấy tờ quan trọngTư vấn pháp luật cho người nước ngoài ở […]

trackback
Tháng ba 11, 2021 11:16 chiều

[…] Xem thêm: Sống chung với động đất ở Nhật Bản […]

2
0
Would love your thoughts, please comment.x