Các đồng nghiệp người Pháp của mình đều tỏ ra vô cùng tự hào về sự sáng tạo và thể hiện tuyệt vời của Lễ Khai mạc Olympics 2024. Dù ai khen chê gì, người Pháp họ tự thấy tuyệt vời là điều thành công nhất rồi.
Khi thấy kể là người Nhật thích mọi thứ của Pháp, ca tụng Olympics 2024 là một thành tựu đáng tự hào nữa của người Pháp, những người đồng nghiệp này lại càng phấn khích và nói chúng tôi cũng yêu mọi thứ của Nhật Bản. Họ cũng thích được khen làm sao.
Tuy vậy họ không biết là người Nhật rất hạn chế tự khen, tự hào về bản thân và đất nước. Có đi chăng nữa thì người Nhật cũng giữ kín trong lòng mà thôi, đó là văn hoá của họ, đặc biệt là từ sau 1945.
Kể ra thì người Việt khá giống người Pháp ở điểm tự hào và yêu tổ quốc, và thích được khen. Lễ quốc tang của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi là một minh chứng cho điều đó. Con người giản dị, hết lòng vì nước vì dân, kiên quyết chống lại các thế lực tham nhũng cấp cao, đã khiến đa số người dân tìm lại được chút niềm tin hiếm hoi ở chính quyền và lãnh đạo. Khi ông mất, người Việt Nam bàng hoàng và đau xót, đồng lòng thể hiện sự luyến tiếc và trân trọng, cũng như sự đoàn kết mạnh mẽ của người Việt. Như ai đó đã nhận xét, người Việt đặc biệt đoàn kết và mạnh mẽ trong khó khăn (và ngược lại), thật là chính xác.
9 năm trước mình cũng đã viết bài có mấy ý tương tự như dưới đây, mọi người đọc lại nhé.
——-
[ Xã hội văn minh, dân trí cao ]Những người Pháp đã vừa chạy trốn khủng bố khỏi sân vận động vừa hát vang quốc ca Pháp, bài La Marseillaise. Những người Paris đã xếp hàng dài chờ hiến máu cứu giúp những người bị thương do khủng bố. Trước cửa nhà hát Bataclan, nơi mà 89 người dân Pháp đã thiệt mạng, một pianist đã mang đàn piano ra biểu diễn ngoài trời bài hát nổi tiếng Imagine của John Lennon ước nguyện hòa bình cho nhân loại, thay vì những biểu hiện tức giận căm thù. Nhiều ngôi nhà ở Paris mở cửa mời những người cơ nhỡ sau hoảng loạn vào tá túc trong đêm, mặc dù họ hiều rằng có nhiều nguy hiểm. Khi đó, người ta cảm nhận một đất nước vĩ đại, như lời của tổng thống Pháp tuyên bố “nước Pháp vĩ đại sẽ không khuất phục”.
Nước Nhật cũng vậy, trong cơn thiên tai động đất kinh hoàng năm 2011, họ đã cho thế giới thấy sự văn minh một cách khác, đến từ bản thân nền văn hóa và tính cách chịu đựng, nhường nhịn, mình vì xã hội của mình. Các cửa hàng combini cung cấp miễn phí đồ ăn thức uống, toilet, nơi nghỉ chân. Các khách sạn cho người đi đường nghỉ ngơi, tá túc, cung cấp chăn đệm sưởi ấm. Các công ty bảo hiểm sẵn sàng trả bảo hiểm động đất cho cả những người không mua bảo hiểm. Cả xã hội tiết kiệm điện để chia sẻ gánh nặng thiếu điện do thiên tai. Chính phủ dựng lên hàng loạt nhà tạm để người dân mất nhà ở được vào ở miễn phí.
Những điều trên cho thấy những ví dụ cụ thể về các nền dân trí cao, một xã hội văn minh, cho dù ai nói gì đi nữa. Đó không phải là mục đích hướng tới của mọi xã hội, mọi đất nước hay sao? Dầu vậy, nếu hỏi người Pháp là họ có tự hào không, thì họ nói vô cùng tự hào. Ngược lại, hỏi người Nhật thì họ sẽ nói, không, chúng tôi thấy bình thường vì đó là điều tự nhiên. Hai tính cách khác hẳn nhau, hai nền văn hóa khác nhau.
Người VN, nếu nói về lòng yêu nước và tự hào dân tộc, có lẽ cũng y như người Pháp vậy. Nhưng người VN thiếu thứ để tự hào ngày hôm nay. Những điều có thể tự hào cũng gây tranh cãi do nó mang hình ảnh chính trị, tư tưởng quá lớn, và cũng đã là quá khứ. Còn nói về dân trí, thật thua xa lắm. Dân trí không thể ngày một ngày hai được cải thiện. Nó đến từ xã hội, từ gia đình, từ giáo dục, từ tự thân mỗi người. Khi mà xã hội là một khái niệm quá vĩ mô, cải thiện nó phải bắt nguồn từ mỗi thành viên, nhưng không thể nào có hiệu quả cao và chắc chắn bằng cải tạo chế độ, cải thiện quan trí. Điều này thật là gian lao, nhưng chúng ta cần có niềm tin và không bỏ cuộc, không bỏ mặc. Còn về bản thân mỗi cá nhân, chỉ có cách là góp phần cải thiện bản thân, cải thiện gia đình mình đang có và sẽ có, cố gắng góp phần cải thiện cộng đồng nhỏ xung quanh mình.