Press "Enter" to skip to content

Danshari 断捨離,

Last updated on Tháng chín 15, 2023

Loading

Photo: Reli-a.com

(Cập nhật chút xíu 1/2023)

断捨離 danshari, ghép từ 3 chữ 断つ ( [ Đoạn ], ngăn chặn), 捨てる ( [ Xả ], vứt bỏ), 離れる ( [ Ly ], rời xa).

Đây là từ ghép từng được giải thưởng “câu nói của năm 2010” (Nhật Bản), do bà 山下英子 Yamashita Hideko đề xướng ra, ứng dụng 3 tư tưởng triết học Yoga 断, 捨, 離.

Phong cách sống 断捨離 này đề xuất con người nên từ bỏ sự gắn bó với đồ vật, giảm bớt đồ đạc để điều hòa cuộc sống. 断捨離 chống lại thói quen khó vứt bỏ đồ vật, khuyến khích mọi người ngăn chặn đồ không cần thiết (断), vứt bớt đồ không dùng trong nhà (捨), từ bỏ sự phụ thuộc vào đồ vật (離).

Wikipedia: 断捨離

Có một thực tế là nhiều người không thể nào vứt bỏ được những đồ mình đã sử dụng, cho dù là nó không còn được dùng nữa, tương lai chắc cũng không còn dùng. Đến một lúc nào đó, đồ đạc trở thành gánh nặng với cả người đó hoặc gia đình, ảnh hưởng cả về tâm tư và sức khỏe, sự tiện nghi cuộc sống. Khi vượt quá ngưỡng tâm lý bình thường, nó sẽ trở thành bệnh. Có 1 con số thống kê rằng ở Mỹ có đến hơn 6 triệu người bị chứng bệnh “không thể vứt bỏ đồ”.

Còn ở Việt Nam, cuộc sống đã phát triển và đủ đầy hơn trước rất nhiều, nhưng với nhiều người đã trả qua những thời kỳ khó khăn thì họ cảm thấy rất khó khăn để vứt bỏ cái cũ, cái xấu, thậm chí sắp hỏng. Đó cũng là một trạng thái tâm lý đặc biệt mà con cháu họ khó chấp nhận và thông cảm được. Theo tính toán và cảm nhận một cách chủ quan của người viết, những người có tâm lý như vậy có lẽ những người trên 20 tuổi ở mốc tạm bớt khó khăn là Đổi Mới năm 1986, thì ở thời điểm 2023 hiện tại đó là những người 57 tuổi trở lên.

Sau khi 断捨離 ra đời, vài năm gần đây sự hưởng ứng của xã hội với tư tưởng “vứt” mọi thứ này còn tiến lên 1 bậc khác là “chủ nghĩa tối giản” (Minimalism, ミニマリズム), tất nhiên là cũng vì nó rất hợp với tư tưởng sống giản dị của người Nhật từ cổ xưa.

Phong cách sống Minimalism ミニマリズム

Chương trình phóng sự truyền hình nổi tiếng NHK Close-up Gendai + クローズアップ現代+ cũng đã làm một phóng sự về 断捨離 trong những năm gần đây, giới thiệu một số ý tưởng 断捨離 ứng dụng cả những kĩ thuật mới nhất:
– Scan hoặc chụp ảnh các album ảnh cũ rồi vứt album thực đi.
– Chụp ảnh búp bê, quần áo cũ, thiệp cưới, bằng cấp kỉ niệm, cúp lưu niệm…rồi vứt.
– Xén sách cũ tự scan hoặc mang đến các dịch vụ scan sách cũ, biến thành sách điện tử (tiếng lóng gọi là 自炊 jisui, không liên quan gì đến nghĩa gốc “tự nấu ăn” cả), rồi vứt sách đi.

Trong chương trình có phỏng vấn và cho thấy 断捨離 cũng có ý nghĩa với những người dọn dẹp đồ đạc để lại của bố mẹ đã mất, những người lớn tuổi muốn tìm đến một cuộc sống mới… Triết lý vứt bỏ không chỉ dừng ở vứt bỏ đồ vật, mà còn là đoạn tuyệt với quá khứ, với những gì u uất, hướng đến tương lai. Không chỉ dọn dẹp nhà cửa mà còn là dọn dẹp tâm tư, tâm trạng, thái độ sống của mình.

Có 1 bài blog tiếng Nhật đã đề xuất các gợi ý để “danshari” một cách hiệu quả.

– Nếu băn khoăn thì vứt.
– Nếu không dùng thì vứt
– Đồ gì nếu mất đi sẽ không mua mới thì vứt
– “Khi nào đó” sẽ không bao giờ đến. “Khi nào đó sẽ dùng” chắc chắn không có.
– Không phải là “dùng được không” mà là “có đang dùng không”.
– Đồ đắt tiền thì nên dùng ngay.
– Mỹ phẩm cũ chỉ làm cho phụ nữ “cũ” đi.
– Nếu cân nhắc chỉ vì giá tiền thì hãy mua đi. Ngoài ra thì dù giá hời đến mấy cũng đừng mua.
– Nhiều quần áo nhưng chẳng phải lúc nào cũng mặc mỗi mấy bộ như nhau sao?
– Những thứ bình thường không dùng nhưng vẫn giữ lại. Lúc thiên tai này nọ, có mang đi cùng không?
– Khi đã vất đi hết thì sẽ vẫn còn tương lai.
– Dù có vứt vật kỉ niệm, kỉ niệm cũng vẫn không mất đi.
– Nếu không vứt quá khứ, sẽ không có chỗ cho tương lai.
– Nếu còn fuku 服 (quần áo) thì fuku 福 (phúc) sẽ không đến.
– Còn kami 紙 (giấy tờ) thì kami 神 (thần thánh) sẽ không đến.
– Ngày mai thì có rác của ngày mai.

(gốc tiếng Nhật)

・迷ったらゴミ
・使わなきゃゴミ
・なくしても買いなおさないものは捨てろ
・いつかは絶対来ない「いつか使う」は絶対無い
・使えるか、ではなく「使っているか」
・高いものはすぐ使え
・古い化粧品は女を古くする
・悩む理由が値段なら買え。それ以外ならどんなにお得でも買うな
・こんなに洋服持っていても、いつも同じ服着てるだろう?
・普段使ってないのにとってあるもの。災害時にそれ持って逃げますか?
・全部捨てたら未来だけ残る。
・思い出の品を捨てても、思い出は消えない。
・過去を捨てなくては、未来の場所がない。
・服があるから福が来ない  紙があるから神が来ない。
・明日は明日のゴミが出る。

Kondo Marie 近藤麻理恵 (gọi tắt ở Nhật là Konmari) là một trong những người đề xướng phương pháp dọn dẹp-vứt bỏ nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Ở Nhật cô vốn cũng hơi nổi tiếng nhưng cô đã thành công sau đó ở Âu Mỹ khiến cho sự nổi tiếng được “nhập khẩu” trở lại nước Nhật như một hiện tượng. Theo phương pháp của cô, cần cảm nhận mối quan hệ cảm xúc của bản thân với đồ vật, nếu không cảm thấy niềm vui thích khi sở hữu nó thì hãy cảm ơn đồ vật đó rồi thanh lý nó đi. Sở dĩ Konmari nổi tiếng ở Âu Mỹ thì họ luôn cảm thấy một sự thích thú với văn hoá phương Đông, nên cảm thấy đặc biệt bị thu hút khi Konmari đưa ra triết lý “đồ vật cũng có linh hồn, hãy trao đổi cảm xúc với nó” trước khi thanh lý hay giữ lại. Có lẽ các chuyên gia marketting đã cùng làm việc với Konmari và cô ấy đã biến các buổi trình diễn về nghệ thuật vứt bỏ của mình một cách hơi huyền bí, lễ nghi kiểu như trà đạo của Nhật. Thực tế thì người Nhật cũng không phải những người huyền bí như vậy, mà chỉ đơn giản là các gợi ý về Danshari như bài viết này mà thôi. Mọi người có thể tìm xem các video của Konmari ở Netflix với keyword là Marie Kondo (viết tên trước họ theo kiểu Âu Mỹ).

Thực ra danshari không chỉ là về vứt đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa. Nó còn phát triển lên ở mức từ bỏ những thói quen, những suy nghĩ cũ kĩ, những lối sống không còn phù hợp nữa. Ví dụ: “con gái lớn phải lấy chồng”.

Có lẽ người VN cũng có chung một số suy nghĩ như thế này nhỉ?


Ref:
– Bài viết gốc ở 
Facebook group Cộng Đồng Việt Nhật

Đăng ký nhận thông báo
Thông báo khi có
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x